Tiết kiệm điện trong hộ gia đình: Khó thực hiện vì sao?

Với câu hỏi “Vì sao việc thực hiện tiết kiệm điện trong hộ gia đình hiện nay chưa thực sự hiệu quả?”, PV đã thực hiện một vài  trao đổi ngắn với khách hàng dùng điện trên địa bàn Hà Nội. Ý kiến của họ thế nào?

Cùng nhau xem tivi là một trong nhiều cách đơn giản để tiết kiệm điện trong gia đình (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (Nhân viên văn phòng, 705-17T3, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội): Cần thông điệp phù hợp

Hiện nay, điều kiện sống của người dân được nâng cao rõ rệt nên nhu cầu tiêu dùng điện phục vụ đời sống sinh hoạt ngày càng lớn. Những hộ gia đình có người lớn tuổi luôn có ý thức tiết kiệm điện hơn những gia đình trẻ. Vì nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của giới trẻ hiện nay khá cao, song ý thức tiết kiệm (không chỉ riêng tiết kiệm điện) lại chưa có, vì vậy theo tôi, khi tuyên truyền tiết kiệm điện, các cơ quan phải có thông điệp phù hợp với mỗi đối tượng khác nhau, tránh sự chung chung và khẩu hiệu.

Anh Hà Thái Bình (Phóng viên, Tập thể xí nghiệp Z179, Thanh Trì, Hà Nội): Cần chính sách hỗ trợ

Theo tôi, quan trọng nhất là do người tiêu dùng chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc tiết kiệm năng lượng nên chưa thực hiện. Hiện nay, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng có giá thành khá cao bởi vậy không phải gia đình nào cũng có thể mua và sử dụng. Thêm nữa, công tác tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng cần được các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm hơn và có các chính sách hỗ trợ để người dân được tiếp cận với sản phẩm tiết kiệm điện với giá rẻ hơn.

Bà Tô Thị Hiền (Cán bộ hưu trí, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội): Tuyên truyền nhiều, nhưng vẫn chung chung

Dường như chúng ta tuyên truyền tiết kiệm điện khá nhiều nhưng vẫn chung chung. Tôi thấy trên báo, đài đều nói về tiết kiệm điện, ngay cả họp chi bộ Đảng, chi hội Phụ nữ cũng đều triển khai thành nội dung tập huấn, nhưng chỉ có số ít người thực sự quan tâm.

Nhiều người cho rằng, cuộc sống của họ quá nhiều điều phải lo toan hơn là việc chi trả thêm vài nghìn, vài chục ngàn đồng vì lãng phí điện vì điều này không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế của gia đình họ. Tất nhiên, một nghịch lý là, ngược lại, nếu ngành Điện tăng giá điện dù mỗi gia đình chỉ tăng thêm vài ngàn đến vài chục ngàn thì tâm lý thông thường của người tiêu dùng luôn là không thoải mái và không ủng hộ.

Chị Hoàng Thị Lựu (Giáo viên, 443/124 Nguyễn Trãi, Hà Nội): Cần giáo dục ngay từ trong nhà trường

Thay đổi thói quen là điều không dễ dàng, dù rằng, nhiều người vẫn ý thức được mục đích, ý nghĩa của việc tiết kiệm điện đối với gia đình và quốc gia. Chúng ta cũng nên chú ý hơn việc giáo dục ý thức tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng ngay từ trong nhà trường để tạo nên ý thức cho các lứa tuổi để có những hành động chung có ích trong toàn xã hội.


  • 16/11/2011 02:04
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 3146


Gửi nhận xét