Một nhà máy điện hạt nhân ở bang Canifonia - Mỹ
|
TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm nghiên cứu Giáo dục môi trường và Phát triển (CERED):Yên tâm với địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN.
Mỗi năm, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng thêm 20% hoặc hơn nữa, do vậy yêu cầu về phát triển điện là cấp thiết. Tuy nhiên, việc cân đối giữa thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện hạt nhân là cần thiết trong việc cân bằng tỷ lệ. Theo tôi, việc phát triển ĐHN là cần thiết. Về mặt lâu dài, việc đảm bảo điện năng từ ĐHN sẽ giúp chúng ta chủ động hơn về vấn đề năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này sẽ tốt cho Việt Nam và cả thế giới.
Hiện vẫn còn nhiều lo lắng khi Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi nước biển dâng cao. Tuy nhiên, với việc lựa chọn xây dựng nhà máy gần biển Ninh Thuận có thể yên tâm, vì vậy, nếu tương lai nước biển có dâng một vài mét cũng không ảnh hưởng.
GS.TS Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam: Khó nhất là vận hành
Vấn đề đặt ra ở đây là bước đi và cách tiếp cận công nghệ của thế giới thế nào. Công nghệ an toàn về ĐHN hiện thế giới đang có những bước tiến rất mạnh sau sự cố Chernobyl.
Tôi đã tận mắt chứng kiến nhà máy ĐHN mới nhất của Hàn Quốc và Nhật Bản và thấy yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng là sự tiếp thu trình độ công nghệ thông qua một hệ thống quản lý cũng như cán bộ, công nhân của Việt Nam có đáp ứng được hay không. Khó nhất là quá trình vận hành. Phải học cách quản lý và kỷ luật trong vận hành cực kỳ nghiêm ngặt.
TSKH Võ Văn Thuận, Nguyên Viện trưởng Viện KH - KT Hạt nhân: Xây dựng nhà máy ĐHN, tự tin nhưng không chủ quan
Điều mà dư luận nước ta vẫn lo ngại về đội ngũ vận hành, thói quen trong việc vận hành, ý thức tuân thủ các quy định... là hoàn toàn có cơ sở. Ở một nước đang phát triển từ nền sản xuất nông nghiệp như Việt Nam, ai cũng cảm thấy còn nhiều vấn đề về trình độ chuyên môn, về ý thức tổ chức kỷ luật, tóm lại là chưa có đủ văn hóa an toàn, nói theo thuật ngữ của IAEA và cộng đồng hạt nhân quốc tế.
Việc cấp bách thứ nhất mà chúng ta phải làm ngay lúc này là đào tạo nhân lực. Thứ hai là phải tiếp tục củng cố và cụ thể hóa hệ thống các văn bản pháp qui để khai thông và duy trì ổn định, an toàn quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà máy ĐHN.
Dù sẽ có nguồn nhân lực trình độ cao và có ý thức kỷ luật, nhưng yêu cầu kết hợp với các qui phạm pháp luật đồng bộ sẽ giúp khắc phục những sai lầm vốn tiềm tàng trong mỗi con người. Tóm lại, để xây dựng thành công NMĐHN Ninh Thuận, chúng ta cần có lòng tự tin, nhưng không chủ quan.
GS Cao Chi, Cố vấn cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam: Mong là đề nghị của Hội đồng tư vấn được xem xét
Tôi ủng hộ việc xây dựng nhà máy ĐHN, song tôi cũng đồng ý với những lo lắng của các nhà khoa học khi nói về công tác chuẩn bị nhân lực hiện nay.
Nếu chúng ta quyết tâm, đồng lòng, tôi tin là chúng ta sẽ bắt nhịp kịp. Chính vì thế, ngày 9/2 mới đây, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước 2011 có đề xuất cử gấp cán bộ đi đào tạo nằm ngoài kế hoạch đào tạo dài hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu đề xuất này được xem xét, chắc sẽ là “phản ứng kịp thời” cho việc chuẩn bị đội ngũ chuyên gia khi nhà máy bắt đầu đi vào vận hành.
Điều tôi thấy nuối tiếc, nếu chúng ta có sẵn đội ngũ chuyên gia để tham gia cùng vào quá trình xây dựng nhà máy sẽ tốt hơn rất nhiều khi chúng ta làm chủ công nghệ. Song đây không phải là vấn đề lớn. Tôi mong muốn dự án ĐHN thành công.