Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, ở nước ta việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào ngành mà còn đi đôi với việc quy hoạch, tổ chức giao thông hợp lý.
Tổ chức, quy hoạch lại giao thông hợp lý sẽ giúp tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả
|
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn đầu 2006 - 2010?
Ông Chu Mạnh Hùng: Mỗi giai đoạn có đặc thù, ở giai đoạn này, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chưa được ban hành mà chỉ là chương trình mục tiêu quốc gia, nên đây có thể gọi là thời điểm khởi động và Bộ Giao thông là một trong những Bộ triển khai sớm, khẩn trương và hiệu quả nhất.
Trên thực tế, giai đoạn đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2006 - 2010), ngành Giao thông vận tải đã từng bước tạo dựng thói quen tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng bằng các biện pháp tuyên truyền phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện tiết kiệm năng lượng và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong tổ chức khai thác vận tải.
Giai đoạn 2006 - 2010 đã triển khai 18 đề án, dự án với tổng kinh phí là 8,2 tỷ đồng; các đề án, dự án triển khai đều có sản phẩm và địa chỉ ứng dụng cụ thể phù hợp với mục tiêu của Chương trình.
PV: Trong giai đoạn vừa rồi, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được nhấn mạnh ở những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Ông Chu Mạnh Hùng: Mục tiêu của ngành là ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện giao thông vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; xây dựng và điều chỉnh hợp lý các định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình sản xuất, duy tu và bảo dưỡng một số phương tiện giao thông vận tải trong các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa.
Đơn cử như: Kỹ năng lái xe sinh thái sinh thái trong giao thông đường bộ, nghiên cứu, thử nghiệm xe buýt chạy bằng khí gas tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh; Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã triển khai gói thầu tư vấn trị giá 400.000 USD để nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp quản lý, và ứng dụng công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu bay. Dự kiến nhóm giải pháp này được áp dụng đầy đủ tiềm năng tiết kiệm đạt 6,4% chi phí nhiên liệu bay hàng năm (25 triệu USD)....
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng ban hành quy định về sử dụng điều hoà trên toa xe khách, tổ chức hợp lý hoá công tác điều hành sản xuất, tận dụng tối đa công suất đầu kéo; bảo đảm công tác bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ và khoán mức tiêu thụ nhiên liệu cho các đơn vị.
PV: Trong thời gian tới, phương hướng của ngành sẽ áp dụng vào những vấn đề nào và có sự khác biệt so với giai đoạn đầu?
Ông Chu Mạnh Hùng: Cùng với việc xây dựng các chương trình, kế hoạch tiết kiệm năng lượng cụ thể thông qua khai thác tối ưu mạng lưới đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, đường biển; phát triển loại hình vận tải năng lực cao, vận chuyển khách, hàng hóa khối lượng lớn, ngành giao thông vận tải còn thử nghiệm sử dụng nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng khác làm nhiên liệu thay thế cho một số phương tiện, thiết bị của ngành.
Ngoài ra, sẽ ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện giao thông vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; xây dựng và điều chỉnh hợp lý các định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình sản xuất, duy tu, bảo dưỡng các phương tiện giao thông.
Thử nghiệm sử dụng nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng khác làm nhiên liệu thay xăng, dầu cho một số phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, giai đoạn tới sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hoá tiết kiệm nhiên liệu trong đi lại, sinh hoạt.
PV: Tiết kiệm năng lượng cần các giải pháp về quy hoạch, tổ chức giao thông vận tải và phải lồng ghép với các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Ông Chu Mạnh Hùng: Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng liên quan tới cả chuyện làm sao để giảm ùn tắc giao thông. Tổ chức giao thông tốt nghĩa là điều chỉnh phân luồng từ xa, phân làn cự ly gần, lựa chọn loại hình phương tiện hợp lý cho từng cự ly cũng giảm được ùn tắc giao thông. Thậm chí, việc tăng cường vận tải công công, đổi giờ làm cũng là những mục tiêu giúp tiết kiệm năng lượng.
Về vận tải đô thị, theo kinh nghiệm của các thành phố lớn trên thế giới, chúng ta cần tạo lập mạng vận tải xe buýt tối ưu, có sự kết nối giữa vành đai I, vành đai II, vành đai III. Đồng thời, mạng lưới giao thông cũng cần trục xuyên tâm tạo thế liên hoàn, thuận tiện cho người đi lại bằng xe buýt. Ngoài ra, chúng ta cũng phải lập được các trục đường chính và những nhánh đường “xương cá”.
Cụ thể, vành đai I là tuyến nội đô phải có buýt chất lượng cao để giảm tối đa ô nhiễm. Muốn vậy, tổ chức giao thông cần tái cơ cấu mạng lưới xe buýt đô thị nội đô và hệ thống xe buýt vành đai. Tuy nhiên, không thể lạm dụng quá về xe buýt vì chỉ phát triển tới hàm lượng tối đa là 35% thị phần vận tải đô thị.
Về lâu dài, hệ thống vận tải khách khối lượng lớn, ít phát thải trong đô thị như phương tiện bánh sắt (metro, đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt khối lượng lớn) cần tiếp tục phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông như thế, đông đảo người tham gia giao thông sẽ tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng.
PV: Xin cảm ơn ông.