Giáo sư, Tiến sỹ Lê Chí Hiệp
|
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Chí Hiệp – Phó chủ nhiệm Chương trình Khoa học & Công nghệ Năng lượng TP.HCM - Chủ tịch Hội đồng năng lượng Đại học Quốc gia TP.HCM: Đây là chủ trương đúng đắn
Chủ trương đúng đắn này góp phần rất lớn cho việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý điện năng, bởi bóng đèn tròn sợi đốt là một trong những thành phần gây tổn hao điện năng khá lớn, cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt.
Theo tôi, nên có chính sách cụ thể đối với những hộ gia đình nghèo. Bóng đèn sợi đốt còn được nhiều hộ gia đình nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa sử dụng là bởi giá của loại bóng đèn này khá rẻ, điện áp dù thấp cũng có thể phát sáng. Trong thời gian qua, ngành Điện đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình như: Bán giá ưu đãi, đổi miễn phí bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện... Trong thời gian tới, các Bộ ngành cần nghiên cứu những chính sách khác như: Giảm đơn giá điện cho những hộ gia đình hoàn toàn không sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt trong sinh hoạt hoặc tăng định mức sử dụng điện có hỗ trợ giá.
Ông Đào Hồng Thái
|
Ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội: Cần phải đúng lộ trình
Theo tôi, việc cấm sản xuất và sử dụng bóng đèn sợi đốt là nên và rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện lệnh cấm này, cần phải có lộ trình phù hợp. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng như các cơ quan chức năng khác cũng phải chú ý tính toán đến bài toán hài hòa lợi ích nhiều bên. Đối với các doanh nghiệp, họ cần lộ trình để thay đổi công nghệ, đầu tư chi phí, nhân lực… Còn đối với người dân khu vực nông thôn, nên nghiên cứu cơ chế hỗ trợ chi phí để đổi từ bóng đèn sợi đốt sang các sản phẩm khác tiết kiệm điện cho họ. Tôi nghĩ, cách khả thi nhất là nên làm thí điểm trước ở nội thành.
Ông Hồ Quỳnh Hưng
|
Ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang: Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phát triển sản phẩm mới
Việc hạn chế sử dụng và tiến tới cấm hẳn đèn sợi đốt là một xu thế tất yếu và đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi triển khai cần quan tâm lưu ý đến quyền lợi của 2 nhóm đối tượng là người lao động của doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Nên có cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với cả 2 nhóm đối tượng này.
Các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp sản xuất bóng đèn cũng cần chung tay với Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phát triển sản phẩm mới như trong thời gian qua.