Tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp phải đi đầu

Sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và toàn xã hội về SDNLTK& HQ. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, thành công lớn nhất của Chương trình là sự ra đời của Luật SDNLTK &HQ và các văn bản đồng bộ dưới Luật liên quan đến SDNLTK &HQ. Bên cạnh đó, đã xây dựng mô hình quản lý SDNLTK &HQ để áp dụng vào hoạt động thực tế cho 40% số lượng các doanh nghiệp (DN) sử dụng năng lượng trọng điểm được lựa chọn trong toàn quốc. Nhận thức của người dân và toàn xã hội về SDNLTK &HQ đã được cải thiện đáng kể.

 

PV: Theo ý kiên của nhiều chuyên gia, hiện nay vẫn còn không ít DN chưa chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng, gây lãng phí một số nguồn năng lượng không nhỏ. Đánh giá của Thứ trưởng về vấn đề này?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng: Như chúng ta đã biết, để tạo ra 1.000 USD GDP ở Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600kg dầu quy đổi, con số này cao gấp 1,5 lẩn so với Thái Lan và gấp 2 lần so với mức bình quân chung của thế giới. Ngành Điện Việt Nam mỗi năm phải tăng trưởng 15- 17% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6- 8% GDP, trong khi bình quân thế giới để tăng 1% GDP thì cũng chỉ tăng 1,2 - 1,5% năng lượng tiêu thụ

 

Qua khảo sát, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng TKNL đến 20%, ngành Xây dựng dân dụng và Giao thông vận tải có thể tiết kiệm 30%, sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ. Chương trình đã khảo sát gần 500 DN trọng điểm, phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức kiểm toán năng lượng cho hơn 200 DN trên phạm vi toàn quốc. Kết quả cho thấy, tiềm năng TKNL của các ngành Dệt May là 5- 15%, Xi măng 10- 20%, Giấy 15%, Thép trên 20%, Hóa chất trên 20%...Trong năm 2010, đã tiết kiệm được 1% trong tổng sản lượng điện (khoảng 1 tỉ kWh). Như vậy, tiềm năng TKNL của chúng ta rất lớn. Nếu thực hiện nghiêm túc hơn thì con số tiết kiệm có thể đạt 3- 5%.

 

PV: Nhưng Luật SDNLTK&HQ cũng đã có hiệu lực một thời gian. Vậy ông có thể lý giải sao DN vẫn chưa tiết kiệm năng lượng?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng: Luật SDNLTK& HQ gồm 12 chương, 48 điều có hiệu lực từ 1/1/2011, đã thể chế hóa đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng. Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trong công tác phối hợp, báo cáo hiện trạng sử dụng năng lượng, lập và thực hiện kế hoạch SDNLTK& HQ tại đơn vị. Khuyến khích hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ để triển khai chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng tại các địa phương. Theo tôi, với công cụ pháp lý quan trọng này, hoạt động TKNL của xã hội dần đi vào nề nếp, dễ quản lý hơn và đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.

 

PV: Để đạt mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 5- 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011- 2015, trong giai đoạn tới tiết kiệm năng lượng cần tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng: Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5- 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2015, Chương trình cần tiếp tục triển khai đồng bộ theo chiều sâu và chiều rộng với 6 nhóm nội dung, trong đó cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: Triển khai thực hiện Luật SDNLTK&HQ sâu rộng trong cộng đồng. Thực hiện đầu tư có chọn lọc cho các tổ chức tư vấn, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng. Thực hiện lộ trình dán nhãn và xây dựng hạn mức sử dụng năng lượng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn của các DN kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng của các DN sử dụng năng lượng trọng điểm, DN vừa và nhỏ. Thúc đẩy mô hình tòa nhà TKNL, ứng dụng các công nghệ TKNL và bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền...

 

 


  • 17/08/2011 03:10
  • Theo Diễn đàn doanh nghiệp
  • 2436


Gửi nhận xét