Ông Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (ECC HN):
Tiến hành đồng bộ trước mắt và lâu dài
Quan trọng nhất là làm thế nào để biến nhận thức thành hành động, chứ không chỉ dừng lại ở lý thuyết… Đơn giản nhất với các em, có thể là hành động ra khỏi phòng học, các em có ý thức tự giác tắt các thiết bị điện.
Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, cần tiến hành đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Từ các chương trình tuyên truyền cụ thể như Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã và đang làm, nên có những tổng kết nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm, cân nhắc xem nên đưa vào giảng dạy hay thực hành ngoại khóa… Về lâu dài, cần nghiên cứu đưa vào giáo trình giảng dạy.
Về phía ECC HN, thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ có những chương trình phối hợp cụ thể với EVN HANOI đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này.
Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội:
Phối hợp với cơ quan chủ quản của ngành Giáo dục
Cần phổ biến những hiểu biết cơ bản như tiết kiệm điện là gì, tiết kiệm điện như thế nào, tiết kiệm điện có lợi ích gì,... cho học sinh tiểu học, giúp các em hình thành thói quen về ý thức tiết kiệm điện, trở thành một kỹ năng sống theo các em suốt đời.
Tuy nhiên, để đưa nội dung tiết kiệm điện vào trong giáo dục tiểu học một cách hiệu quả, thì các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện nên được tổ chức phối hợp với cơ quan chủ quản của ngành Giáo dục, để có thể thực hiện thống nhất và đồng bộ trên phạm vi rộng. Sở GD&ĐT ủng hộ và nếu có đề nghị phối hợp tuyên truyền thì sẽ nghiên cứu đưa ra phương pháp giáo dục hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT:
Giáo dục tích hợp
Giáo dục làm sao để các em có kỹ năng, thói quen và biết cách tiết kiệm năng lượng không phải là vấn đề mới, nhưng cách thức giáo dục như thế nào để có hiệu quả tốt nhất thì vẫn đang là nội dung cần nghiên cứu kỹ và đưa vào thực nghiệm.
Có thể đưa vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp là có ý nghĩa thiết thực và khả năng đạt hiệu quả cao. Vì đối tượng là các em học sinh tiểu học, ở độ tuổi nhỏ nên nội dung giáo dục cũng cần sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ thì các em mới dễ tiếp thu.
Vụ Giáo dục Tiểu học cũng đang thí điểm chương trình “Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả vào trường tiểu học”. Cụ thể, thí điểm thực hiện tại một số trường: Thay bóng đèn tiết kiệm trong một số phòng học để các em tự theo dõi, đối chứng về kết quả tiết kiệm điện; xây dựng thư viện tiết kiệm năng lượng bao gồm sách, tranh, ảnh, video,… cho học sinh; tổ chức thi vẽ tranh về đề tài tiết kiệm năng lượng (2 tháng/1 lần); thành lập câu lạc bộ Tình nguyện xanh,…
Bà Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chánh văn phòng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội:
Đa dạng các giải pháp
EVN HANOI đang thực hiện tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tại 59 trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội. Chương trình này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực của các quận đoàn, huyện đoàn trên địa bàn.
Chương trình tuyên truyền diễn ra trong vòng 30 phút. Hoạt động chủ yếu là các trò chơi, đố vui. Các em tiếp thu rất nhanh và về khía cạnh nào đó, còn tạo được “áp lực” ngược lại về sử dụng điện tiết kiệm lên những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ.
Thời gian tới, chúng tôi mong muốn có thể đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng thành tập tài liệu môn học tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng dành cho học sinh tiểu học. Hiệu quả sẽ cao hơn nếu chúng ta đa dạng hóa hình thức giáo dục, như: In thông điệp, hướng dẫn tiết kiệm điện lên bìa vở học sinh, lồng ghép nội dung vào các trò chơi cho sinh động.
Bà Bùi Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Động, Hà Nội:
Cần phương pháp giáo dục sinh động, dễ nhớ
Đối với học sinh tiểu học cần có cách làm riêng, như minh họa bằng hình ảnh, video, truyện tranh, đố vui,… để tạo hứng thú và dễ nhớ.
Trường Tiểu học Mai Động là nơi thực hiện thí điểm nội dung “Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả vào trường tiểu học” của Bộ GD&ĐT. Theo chương trình này, giáo viên được tập huấn trước để đảm bảo giáo dục học sinh một cách có hiệu quả nhất. Các em học sinh được tham gia vào các cuộc thi vẽ tranh với chủ đề tiết kiệm điện, các câu lạc bộ Tình nguyện xanh, thực hiện kiểm tra việc tắt điện, tắt quạt của các lớp học vào giờ ra chơi và khi tan học,… qua đó tự hình thành ý thức về tiết kiệm điện. Đang trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng chúng tôi nhận thấy, các em học sinh rất thích thú với những hoạt động ngoại khóa như vậy.
"Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm"
Là chương trình của Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC):
- Mục đích: Cung cấp cho các em học sinh những kiến thức cơ bản trong sử dụng điện, kỹ năng phòng, tránh các tai nạn về điện, biện pháp sơ cấp cứu nguời bị tai nạn điện...
- Hình thức tuyên truyền: Trao đổi trực tiếp, lồng ghép vào những trò chơi đố vui, giải đáp thắc mắc của các em học sinh trong quá trình sử dụng điện.
- Triển khai trên địa bàn toàn TP cho 80 ngàn học sinh (mỗi quận, huyện thực hiện ít nhất tại 10 trường).
- Thời gian thực hiện: từ tháng 10/2011.
|