Hướng đi mới của người Nhật

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC) cho biết, điều hòa biến tần là thiết bị công nghệ hiệu suất cao và đang có xu hướng thay thế điều hòa thế hệ cũ. Về mặt kỹ thuật, tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ việc sử dụng điều hòa biến tần ở VN rất cao.

Ông Huỳnh Kim Tước - GĐ ECC HCMC - Ảnh: CTV.

PV: Trong bối cảnh VN đang triển khai cơ chế phát triển sạch mang tính toàn cầu theo Nghị định thư Kyoto, doanh nghiệp (DN) hai bên nhìn nhận cơ hội tiếp cận cơ chế BOCM (BOCM là cơ chế Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm thay thế CDM trước đây) như thế nào?

Ông Huỳnh Kim Tước: BOCM là hướng đi mới của người Nhật nhằm tiếp tục hợp tác đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, TKNL, giải quyết vấn đề môi trường… Trước khi Nghị định thư Kyoto kết thúc, người Nhật đã có những động thái tích cực, theo hướng chủ động tìm cách tiếp cận mới.

PV: Ông nhận định thế nào về việc điều hòa biến tần có thể TKNL?

Ông Huỳnh Kim Tước: Điều hòa không khí là thiết bị sử dụng nhiều NL nhất trong các tòa nhà tại VN hiện nay. Đặc biệt, khu vực hộ gia đình sử dụng hơn 30% NL của VN. Hiện nay, Nhật Bản đã ứng dụng điều hòa biến tần như một giải pháp TKNL để cắt giảm hiệu quả khí thải nhà kính. Ở nước ta, biến tần là thiết bị đã được sử dụng phổ biến trong các giải pháp TKNL ở VN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

PV: Nhưng vẫn có những ý kiến băn khoăn về tính kinh tế của điều hòa biến tần?

Ông Huỳnh Kim Tước: Tôi cho băn khoăn là hợp lý, nhưng vấn đề này có thể giải quyết được. Đây là nhóm thiết bị nằm trong lộ trình dán nhãn NL của VN. Theo lộ trình này, VN phải tạo ra được cơ chế để khuyến khích các DN, người tiêu dùng sử dụng các thiết bị, động cơ có hiệu suất cao thông qua các chính sách về thuế hoặc các hình thức khác… Khi xem xét về tính kinh tế, các nhà đầu tư, người tiêu dùng phải cân nhắc giữa hiệu quả đầu tư và chi phí NL. Bài toán về kinh tế này phụ thuộc vào chi phí NL, nhất là khi giá NL của các thiết bị này càng ngày càng cao. Vì vậy, cùng với thời gian, tính khả thi của điều hòa biến tần ngày càng tăng.

Mặt khác, vòng đời của một thiết bị điều hòa không khí, chi phí năng lượng chiếm đến 90% trong khi chi phí đầu tư ban đầu chỉ chiếm 5-7%. Do đó, nếu sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng như hiện nay, thì người sử dụng có thể hoàn vốn trong 2-3 năm. Như vậy, xét về mặt kinh tế là khả thi.

PV: Với cơ chế BOCM, chúng ta có thể hy vọng vào việc chuyển giao công nghệ và xa hơn, DN trong nước có thể sản xuất được biến tần?

Ông Huỳnh Kim Tước: Điều này tùy thuộc vào nhiều vấn đề. Theo tôi biết, để có thể triển khai cơ chế BOCM, trước hết Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét tác động tích cực của biến tần trong những lĩnh vực cụ thể như: Hiệu quả về TKNL, giảm phát thải… và cả mặt trái do điều hòa biến tần mang lại. Đó sẽ là cơ sở để phía Nhật Bản xây dựng các tiêu chuẩn TKNL bền vững. Liên quan đến áp dụng cơ chế BOCM trong lĩnh vực NL giữa VN và Nhật Bản, tôi nghĩ, hai bên sẽ phải tiếp tục bàn thảo các nội dung một cách cụ thể hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

BOCM sẽ mang lại lợi ích gì? 

BOCM là cơ chế Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm thay thế CDM trước đây. Trong BOCM, Nhật Bản sẽ hợp tác với quốc gia đang phát triển, hỗ trợ tài chính để phát triển các công nghệ có mức thải carbon thấp. Nhờ các công nghệ này mà quốc gia cùng tham gia sẽ loại bỏ hay giảm bớt lượng khí nhà kính và mức giảm bớt này sẽ được tính ngược lại cho Nhật Bản.

Các nguyên tắc của cơ chế BOCM:

  • Góp phần giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu;
  • Thúc đẩy giảm phát thải một cách thực sự (không có sự bắt buộc hay trừng phạt khi không thể thực hiện);
  • Thúc đẩy đổi mới công nghệ (tập trung vào hiệu quả của công nghệ);
  • Tương thích với sự phát triển tự nhiên và bền vững của nền kinh tế.

 


  • 08/10/2012 10:56
  • Theo: Báo Công Thương
  • 2329


Gửi nhận xét