|
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc |
PV: EVN đã tham gia chương trình Giờ trái đất từ khi nào thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Từ năm 2009 đến nay, 5 năm liên tục EVN tham gia chương trình Giờ trái đất và đóng vai trò tích cực thực hiện chương trình.
Với chương trình Giờ trái đất năm 2012, EVN với vai trò là nhà tài trợ chính, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã cam kết hỗ trợ thắp sáng hiệu quả và tiết kiệm cho 250 phòng học tại 5 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang và Lào Cai, với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,5 tỷ đồng. Công trình này đã hoàn thành để chào mừng ngày khai giảng năm học mới 2012. Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã hỗ trợ chi phí lắp đặt 39.238 bình nước nóng năng lượng mặt trời cho các hộ dân nhằm thay thế các bình nước nóng bằng điện.
Từ kết quả của Giờ trái đất 2012, các chương trình TKĐ năm 2012 được đẩy mạnh, cả năm đã TKĐ được 1,67 tỷ kWh bằng 1,5 % điện thương phẩm cả nước.
PV: EVN tiếp tục song hành với chương trình Giờ trái đất 2013 như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Năm 2013, EVN tiếp tục tham gia chiến dịch với tư cách là nhà tài trợ chính, là đối tác song hành cùng mọi hoạt động của chương trình.
Đồng thời, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực/CTĐL trên toàn quốc cùng hỗ trợ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho chương trình. Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội được giao hỗ trợ phối hợp triển khai tốt công tác chuẩn bị đảm bảo cho tổ chức sự kiện chính diễn ra tại Hà Nội. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia theo dõi cập nhật báo cáo Tập đoàn kết quả giảm công suất, sản lượng tiêu thụ trên hệ thống ngay sau khi kết thúc sự kiện chính...
PV: Đã nhiều năm EVN là nhà tài trợ cho sự kiện, ông nhận thấy ý nghĩa của sự kiện này đã được thay đổi như thế nào trong những năm qua?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Trong những năm qua, chương trình Giờ trái đất đã tạo nên một tiếng vang lớn trong nhận thức của người dân Việt Nam về nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu, trong đó việc sử dụng năng lượng lãng phí, chưa hiệu quả là tác nhân chính. Bây giờ là lúc chúng ta biến nhận thức đó của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thành những hành động thiết thực để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống và xây dựng một nền kinh tế phát triển xanh và bền vững.
Để hướng tới mục tiêu đó, chiến dịch Giờ trái đất năm 2013 được thiết kế với hàng loạt các hoạt động truyền thông mang tính sáng tạo hơn về nội dung, bao gồm: Phát động cuộc thi làm phim ngắn, thu thập dấu vân tay thể hiện cam kết tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu, tổ chức hành trình “Chuyển động xanh” đạp xe hưởng ứng Giờ trái đất.v.v..
Các đại sứ của Giờ trái đất 2013 đạp xe tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thọ
|
PV: Trong thời gian tới EVN sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục vận động người dân sử dụng điện thật tiết kiệm, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện giai đoạn 2013-2015 sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai trên các phương diện đa dạng khác nhau như tuyên truyền tiết kiệm điện trên các phương tiện truyền thông; Phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng địa phương; Triển khai các chương trình thi đua, phong trào như chương trình Gia đình tiết kiệm điện, tuyến phố tiết kiệm điện tại một số thành phố; Triển khai Chương trình giáo dục nhận thức tiết kiệm điện ở trường học; Phối hợp với các Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng, hỗ trợ và thực hiện kiểm toán năng lượng ở các khách hàng sử dụng điện lớn, tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện; Triển khai các Chương trình quảng bá sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị dùng năng lượng mặt trời; Chương trình đèn Compact, Chương trình bình nước nóng năng lượng mặt trời...
PV: Xin cám ơn ông!