Ông Huỳnh Kim Tước - GĐ ECC HCMC.
|
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết rõ hơn về chương trình hợp tác giữa ECC HCMC và Đan Mạch, đặc biệt trong vấn đề hợp tác về kiến trúc xanh?
Ông Huỳnh Kim Tước: Cách đây 5 năm, nhận thấy rõ việc giải quyết vấn đề tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong tòa nhà sẽ thúc đẩy xu hướng đầu tư, thiết kế và xây dựng công trình xanh, ECC HCMC đã nghiên cứu nhu cầu thị trường về vấn đề này, qua đó bắt đầu hình thành chương trình đào tạo về kiến trúc xanh cũng như các hoạt động liên quan như tư vấn, tiêu chuẩn, đánh giá, chứng nhận công trình xanh... Định hướng này nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước.
Năm 2011, thông qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Đan Mạch, đoàn công tác nghiên cứu thị trường của UCN và Công ty Kiến trúc KA đã đến Việt Nam khảo sát các trường đại học, trường, viện ở Việt Nam về lĩnh vực kiến trúc xanh. Theo đó, UCN và KA đã quyết định chọn ECC HCMC làm đối tác vì sự sẵn sàng về kiến thức, nhân lực và khả năng thị trường hóa lĩnh vực này.
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch thông qua chương trình hợp tác kinh doanh song phương (Danish bussiness program), ECC HCMC, KA và UCN đã quyết định nâng mối quan hệ hợp tác lên thành đề án thành lập công ty chung. Và sau 1 năm nghiên cứu thị trường, khung pháp lý…, các bên đã quyết định thành lập Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh.
PV: Viện này sẽ có những chức năng gì, thưa ông?
Ông Huỳnh Kim Tước: Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về công trình xanh và chưa có các cơ sở đào tạo về cách thiết kế một công trình xanh. Do đó, Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh sẽ tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là: Đào tạo các cấp độ sơ cấp, các khóa ngắn hạn, trung cấp, liên kết với các trường đại học đào tạo hệ cử nhân; nghiên cứu và trao đổi học viên nghiên cứu sinh; tư vấn công trình xanh.
Là đơn vị tiên phong ở Việt Nam về lĩnh vực kiến trúc xanh, Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh là nơi tập hợp đội ngũ chuyên gia về kiến trúc xanh của Việt Nam, Đan Mạch và nhiều nước khác. Các chương trình trao đổi chuyên gia hàng năm cho phép các chuyên gia có cơ hội tham gia nhiều dự án kiến trúc xanh ở cả 2 nước.
|
Cách thiết kế một công trình xanh, cũng như tiêu chuẩn về công trình xanh của Việt Nam hiện vẫn chưa có - Ảnh minh họa. |
PV: Hiện nhân lực cho kiến trúc xanh được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh sẽ góp phần giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Huỳnh Kim Tước: Hiện nay, có 2 vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực kiến trúc xanh, đó là chưa có chương trình chuẩn hóa đào tạo cấp đại học và cao hơn về lĩnh vực này ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hình thức thiết kế công trình, quản trị thông tin… của Việt Nam vẫn thiên về nguyên lý, thiếu các công cụ hỗ trợ. Do vậy, các chương trình đào tạo của Viện sẽ hướng đến cung cấp những công cụ bổ sung, phương pháp tiếp cận mới. Định hướng kinh doanh của Viện là đào tạo những gì thị trường chưa có nhưng thị trường có nhu cầu và dẫn dắt xu hướng thiết kế mới.
Cụ thể, Viện có các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng các kỹ năng và công cụ phục vụ thiết kế công trình xanh, tính toán năng lượng, quản lý dự án… với các công cụ như Be10, BIM… Đây đều là những công cụ mới, chưa có ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu như các chương trình đào tạo từ trước đến nay của ta đều thiên về lý thuyết thì Tòa nhà tối ưu hóa năng lượng (Active House) được xây dựng song song với Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh sẽ là nơi để học viên có thể quan sát và học hỏi trực tiếp cách thức xây dựng một công trình xanh hoàn thiện.
Ngoài ra, nếu như lâu nay, cách thiết kế của kiến trúc sư Việt Nam là độc lập với thi công thì cách đào tạo mới của viện sẽ là một nhóm kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà xã hội học cùng ngồi để bàn bạc cách xây dựng một công trình từ đầu đến cuối. Điều này sẽ giúp cho những ý tưởng thiết kế được thực hiện xuyên suốt, thống nhất, những hiệu quả TKNL thu được từ đó sẽ lớn hơn.
Tôi tin rằng nếu hoạt động tốt, Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh sẽ làm thay đổi tư duy thiết kế một công trình, đồng thời giúp hình thành một ngành học mới là kỹ sư công nghệ kiến trúc. Đây là ngành học mà các trường đại học kiến trúc của Việt Nam đang muốn lập. Sau khi thành lập Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh, thời gian tới, ECC HCMC sẽ liên kết với hai cơ sở đào tạo về kiến trúc là Đại học Kiến trúc TP.HCM và Đại học Kiến trúc Hà Nội để đào tạo ngành học này.
ECC HCMC vốn được biết đến như đơn vị tiên phong và đến nay vẫn là đơn vị duy nhất dạy cơ bản về kiến trúc xanh. Giáo trình chuẩn hóa và đội ngũ giảng viên chuẩn hóa theo tiêu chuẩn IFC. Còn UCN là đại học với ưu thế ứng dụng công nghệ vào công trình. Do đó, tôi tin rằng sự kết hợp lần này sẽ giúp hình thành một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực kiến trúc xanh, góp phần giúp lĩnh vực này phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Dự kiến đến tháng 3/2014, Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh sẽ chính thức ra mắt.
Chia sẻ về hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực kiến trúc xanh, phát triển bền vững, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen cho biết, phía Đan Mạch có thể hỗ trợ Việt Nam về công nghệ
|