Việt Nam sẽ có chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc xanh

Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM (ECC HCMC), liên doanh Công ty KAAI và Trường đại học Bắc Đan Mạch (UCN) đã ký kết ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng, trong đó có việc thành lập Viện Đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh tại Việt Nam, PV tietkiemnangluong.vn đã phỏng vấn ông René Martin Larsen - Giám đốc Dự án quanh vấn đề này.

Ông René Martin Larsen - Ảnh: Ngọc Tuấn.

PV: Thưa ông, điều cơ bản nhất để tạo nên những công trình xanh, công trình bền vững là gì?

Ông René Martin Larsen: Đó là nhận thức của mọi người đối với môi trường. 

Mọi người phải hiểu được tầm quan trọng của môi trường, thì mới có thể tiến tới xây dựng được những công trình bền vững. Bên cạnh đó là sự đầu tư đúng trong đào tạo, nâng cao nhận thức của đội ngũ kiến trúc sư thiết kế công trình xanh.

PV: Đan Mạch hiện là quốc gia phát triển mạnh về kiến trúc xanh, ông đánh giá thế nào về đội ngũ kiến trúc sư công trình xanh của Việt Nam hiện nay?

Ông René Martin Larsen: Theo tôi thấy, hầu hết đội ngũ kiến trúc sư cho các công trình xanh của Việt Nam hiện nay đã có những nhận thức về một công trình bền vững và vai trò môi trường của một công trình xanh. Tuy nhiên, đội ngũ này cần được bồi dưỡng thêm những kiến thức hết sức chính quy về công trình bền vững cũng như là công trình xanh.

Đất nước chúng tôi (Đan Mạch) và các nước trong khu vực châu Âu như Đức, Pháp… đã có đội ngũ kiến trúc sư rất tốt và chúng tôi cũng muốn đem những kinh nghiệm của mình để truyền đạt cho đội ngũ kiến trúc sư công trình xanh của Việt Nam.

PV: Để có được nhiều hơn nữa những công trình xanh tại Việt Nam, các kiến trúc sư cho các công trình xanh cần phải lưu ý vấn đề gì?

Ông René Martin Larsen: Để có được nhiều hơn nữa những công trình xanh tại Việt Nam, trước hết các kiến trúc sư Việt Nam nên biết về những lý thuyết xây dựng công trình thụ động, như chọn hướng nắng, hướng gió. Để từ đó đưa ra được những hướng tránh nắng, gió và giảm nhiệt cho công trình, giúp cho công trình tự làm mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.

Đối với các công trình nhà tối ưu hóa năng lượng, việc đưa vào sử dụng những thiết bị, công nghệ như: Bơm nhiệt, pin năng lượng mặt trời… sẽ giúp các công trình sản sinh ra năng lượng cần thiết để cung cấp cho người sử dụng.

PV: Mọi người cho rằng những công trình xanh thường tốn nhiều vốn đầu tư hơn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông René Martin Larsen: Thường thì mọi người vẫn cho rằng những công trình xanh chiếm nhiều vốn đầu tư hơn. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những công trình như nhà thụ động chẳng hạn, những công trình này không tốn nhiều tiền. Điều ở đây cần khắc phục là tư duy của chúng ta, cần đặt công trình vào những hướng tránh được nắng, chọn hướng đón được nhiệt tốt nhất để từ đó có thể tự sưởi ấm, làm mát. Việc này đã giúp bạn tiết kiệm được những chi phí cho những việc khác.

Tôi nói như thế để mọi người hiểu được rằng, việc công trình xanh có tốn nhiều tiền hơn các công trình khác không là nằm trong tư duy của những kiến trúc sư.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 09/10/2013 09:45
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 3596