“Kiềng ba chân” trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm và lấy đó làm mục tiêu trên hành trình xây dựng phát triển đô thị, là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. PV đã phỏng vấn PGS.TS Vũ Thị Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam xung quanh chủ đề này.

PGS.TS Vũ Thị Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam

PV: Tăng trưởng xanh hiện được đề cập đến trên nhiều diễn đàn. Xin bà cho biết khái niệm chuẩn về Tăng trưởng xanh? 

PGS.TS Vũ Thị Vinh: Tăng trưởng xanh (Green Growth) là hướng tiếp cận mới của thế giới trong tăng trưởng kinh tế, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng xanh làm cho các quá trình tăng trưởng có hiệu quả về mặt tài nguyên, sạch hơn và chóng phục hồi hơn chứ không làm cho các quá trình này chậm lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, Tăng trưởng xanh được đánh giá là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. 

Thế giới cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Có người cho rằng Tăng trưởng xanh gần đồng nghĩa với GDP xanh, là tăng trưởng kinh tế trừ đi những thiệt hại môi trường, hay lấy chỉ số GDP trừ đi những thiệt hại môi trường do hoạt động kinh tế gây ra. Song cũng có quan niệm coi Tăng trưởng xanh là sự đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, đầu tư phục hồi hệ sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế cac bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Tại Việt Nam, ngày 25/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1393 QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. 

PV: Vậy, mục tiêu đặt ra trong hành trình Tăng trưởng xanh tại Việt Nam là gì thưa bà? 

PGS.TS Vũ Thị Vinh: Với Việt Nam, Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. 

Trước tiên, Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Quá trình này dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần có sự tham gia hưởng ứng của các cấp chính quyền, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cả người dân. 

Việt Nam hướng tới mục tiêu đô thị hoá bền vững sẽ bắt đầu từ quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Theo đó, phải rà soát quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận để đạt chuẩn bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế..), quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái... Cùng đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải chú ý đảm bảo kết nối đồng bộ, hợp lý giữa chỉ tiêu nhà ở, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý rác thải. Những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu cần điều chỉnh để hạ tầng thích ứng nhằm giảm thiệt hại kinh tế. Mỗi địa phương cần đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị nhằm đạt tới mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực. Trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phương tiện, khai thác ... 

Tăng trưởng xanh là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm

PV: Sự hợp tác giữa chính quyền – doanh nghiệp và người dân sẽ tạo thế kiềng ba chân vững chắc trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Xin bà phân tích thế mạnh tương tác của mối quan hệ này? 

PGS.TS Vũ Thị Vinh: Hiện nay cả nước có trên 760 đô thị trong đó có 111 thành phố và thị xã. Thành viên của Hiệp hội các đô thị Việt Nam là 103/111 đô thị là thành phố thị xã từ loại 4 đến loại đặc biệt như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã mang lại nhiều thành tựu kinh tế quan trọng, thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên phát triển đô thị cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập ảnh hướng đến tài nguyên thiên nhiên, khai thác và chuyển đổi sử dụng đất đai chưa hợp lý, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng tới đời sống của người dân...

Để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh đòi hỏi quyết tâm cao của chính quyền đô thị và kết hợp chặt chẽ với cả doanh nghiệp, người dân. Thực tế cho thấy sự thành công hay thất bại của việc xây dựng, phát triển đô thị ở các đô thị phụ thuộc rất lớn vào vai trò và ý chí quyết tâm của chính quyền thông qua những chính sách, cơ chế về đầu tư, tài chính, huy động mọi nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân và từ khu vực tư nhân. 

Chính quyền đô thị phải có những nỗ lực để phát triển đô thị một cách bền vững và có tính cạnh tranh, với những giải pháp đồng bộ, tổng thể dựa trên những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung, thực hiện quy hoạch phân khu hay quy hoạch chi tiết cần gắn kết chặt chẽ với quan điểm, mục tiêu và những giải pháp thực hiện của Chiến lược Tăng trưởng xanh để phù hợp với điều kiện của đô thị và đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Vai trò của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế. Khu vực tư nhân đang tạo ra một khối lượng lớn công việc cũng như đóng góp nhiều cho tăng trưởng việc làm và ổn định xã hội. Để phát triển bền vững, đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu thân thiện với môi trường của xã hội. Muốn vậy doanh ngiệp cần tiếp cận được với công nghệ mới, hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cùng đó, người dân với tư cách “người tiêu dùng xanh” cũng cần tránh tiêu thụ những sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe và môi trường. Thông qua việc chỉ mua sắm thứ mình cần, người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà cung cấp phải tạo ra và cung ứng những sản phẩm, dịch vụ không ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Ví dụ như chọn loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thải ít khói ra môi trường; chọn loại đồ gia dụng giúp tiết kiệm điện, nước; không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông hay thịt của động vật hoang dã... Khi thay đổi nhận thức và thói quen của mình, người tiêu dùng xanh có đủ quyền lực để thay đổi nhà cung cấp, thay đổi xã hội, thay đổi thế giới mà họ sống trong đó. 

Sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền đô thị với người dân và doanh nghiệp là 3 yếu tố then chốt để xây dựng đô thị Tăng trưởng xanh.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Vinh! 


  • 01/11/2013 04:00
  • Theo báo Tin tức
  • 2370


Gửi nhận xét