Ông Trần Mai - Phố Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam - Hoàng Mai - Hà Nội: "Làm gì có chuyện cán bộ, công chức tiết kiệm điện"
Tôi chẳng tin có cán bộ, công chức nào tiết kiệm điện. Điện nhà nước, tiền nhà nước, việc gì phải tiết kiệm.
Tôi có hai đứa con làm ở cơ quan nhà nước, quen dùng điện xả láng ở văn phòng nên về nhà cũng rất lãng phí. Bố mẹ nhắc nhở thì chúng nói "tiết kiệm làm gì cho khổ".
Tôi chẳng biết ở cơ quan chúng bật điều hòa kiểu gì mà vào mùa hè, đứa nào cũng mua chăn lên văn phòng đắp? Hỏi thì chúng bảo, buổi trưa bật điều hòa nên lạnh.
Chị Nguyễn Thanh Vân - Ngõ 310, đường Nghi Tàm, Phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội: “Tiền chùa”, sao phải tiết kiệm!
Có thể sử dụng thoải mái mà không mất tiền, ai chẳng thích. Nếu là tôi, tôi cũng chẳng tiết kiệm.
Ở gia đình mình, dùng hoang phí, ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của mình nên buộc phải tiết kiệm, chứ ở những nơi công cộng hay cơ quan nhà nước, sử dụng nhiều hay ít đều là tiền nhà nước trả, thử hỏi có mấy ai chịu tiết kiệm. Cha ông ta có câu, “Cha chung không ai khóc” là vậy.
Chị Hoàng Thị Tư - Thị trấn Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội: "Rất khó để cán bộ, công chức tự ý thức tiết kiệm điện"
Nói chung, là của công nên ít người tiết kiệm lắm. Nhưng phải công nhận một điều, cán bộ, công chức ngày nay không còn sử dụng điện hoang phí như trước.
Điển hình là mẹ chồng tôi. Cách đây mấy năm, mỗi khi nhà có món gì cần nấu lâu như: Hầm xương, kho cá… mẹ tôi lại mang lên cơ quan. Còn bây giờ, cơ quan nghiêm cấm cán bộ, công chức sử dụng điện làm việc riêng, nên thỉnh thoảng mẹ tôi lại than: Kinh tế khó khăn, đến việc sử dụng điện cũng yêu cầu này, yêu cầu nọ...
Như vậy có thể thấy, cán bộ, công chức nhà nước không còn được phép dùng điện thả phanh như trước đây nữa.
Anh Nguyễn Văn Hiệp - Phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình - Thanh Xuân - Hà Nội: "Nên có những quy định xử phạt riêng"
Theo những thông tin trên báo chí mà tôi đọc được, hiện nay nhiều cơ quan nhà nước đã phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện trong các cơ quan hành chính sự nghiệp. Các cơ quan này có phần thưởng cho những đơn vị sử dụng điện tiết kiệm, nhưng lại chẳng có hình phạt nào cho đơn vị sử dụng điện lãng phí cả.
Mà điện ở cơ quan, nhiều người vẫn coi là “điện chùa”, nên để cán bộ, công chức tự giác sử dụng điện tiết kiệm là rất khó.
Tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước nên có quy định xử phạt nghiêm những cá nhân, đơn vị sử dụng điện lãng phí, may ra công tác tiết kiệm điện trong các cơ quan công sở mới phát huy được hiệu quả. Chứ còn chỉ hô hào không, thì khó lắm!
Ông Đàm Tiến Thắng - Trưởng phòng Quản lý Điện Năng, Sở Công Thương, Hà Nội: "Cán bộ, công chức đang rất nỗ lực tiết kiệm điện"
Việc đa số người dân cho rằng cán bộ, công chức không tiết kiệm điện tuy phiến diện, nhưng có thể hiểu được. Bởi có thể hình ảnh một số cán bộ, công chức mang cháo, xương… lên cơ quan hầm những năm trước đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân về tình trạng sử dụng “điện chùa”.
Tuy nhiên, tôi mong người dân hiểu rằng, đó là chuyện của quá khứ. Hiện nay, các cơ quan nhà nước đã và đang rất nỗ lực tiết kiệm điện. Cơ quan nào cũng có quy định cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng; quy định về thời gian, nhiệt độ được phép bật điều hòa… Ý thức của cán bộ, công chức trong sử dụng điện tiết kiệm cũng đã được nâng cao.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao tỉ trọng sử dụng điện ở một số cơ quan vẫn cao? Có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, trong quá trình hiện đại hóa văn phòng, các trang thiết bị dùng điện tăng lên. Ví dụ, trước đây 3 người chung một máy vi tính, thì hiện nay mỗi người một máy; trước đây cả cơ quan có một máy in, thì hiện nay một phòng được trang bị từ 1-2 máy in… Thứ hai, nhiều cơ quan do bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ nên con người, thiết bị cũng tăng lên kéo theo lượng điện năng sử dụng cũng tăng lên…
|