PV:Trong nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, công tác quản lý nhà nước về chất lượng nhiên liệu sinh học, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh nhiên liệu sinh học vẫn đang thiếu và yếu. Theo ông, cần phải làm gì khắc phục những khó khăn này?
Ông Nguyễn Sinh Khang: Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, ban hành tương đối đầy đủ văn bản pháp quy để các doanh nghiệp có thể triển khai sản xuất và kinh doanh xăng sinh học như: TCVN 7716:2007 về Etanol nhiên liệu biến tính dùng để phối trộn với xăng khoáng; TCVN 8063:2009 về xăng không chì pha 5% etanol (xăng E.5); TCVN 8401:2011 về xăng không chì pha 10% etanol (xăng E.10); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ và phương tiện sử dụng trong pha chế, tồn trữ và vận chuyển etanol, xăng sinh học (xăng E5, E10) tại kho xăng dầu….
Đây là những văn bản pháp lý để các cơ quan quản lý chất lượng cũng như quy định đối với doanh nghiệp trong sản xuất, tồn trữ, vận chuyển và phân phối xăng sinh học hiện nay.
Tuy nhiên, để thị trường nhiên liệu sinh học phát triển bền vững, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi một số văn bản như: Bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể: Yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý/ đại lý phải có trách nhiệm tham gia kinh doanh xăng sinh học; Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu được quyền mua xăng E5 của doanh nghiệp đầu mối khác nếu doanh nghiệp đầu mối đang ký kết chưa cung cấp được xăng E5; Hình thành quỹ phát triển nhiên liệu sinh học để khuyến khích phát triển thị trường.
Ban hành Quy định tỷ lệ bắt buộc bán xăng sinh học đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các quy định về kiểm tra sản xuất kinh doanh nhiên liệu sinh học để tránh gian lận thương mại; cũng như tiêu chuẩn về xăng nền dùng pha chế xăng E5 để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý nhập khẩu xăng nền và các quy định về phương tiện vận chuyển đường thủy đối với xăng sinh học để các doanh nghiệp triển khai thực hiện.
|
Khuyến khích người dân tiêu dùng và ủng hộ xăng sinh học. |
PV: Trong lúc chờ cơ chế chính sách của Nhà nước, áp dụng giá bán lẻ xăng E5 bằng giá bán xăng Mogas 92, PVN có sự chuẩn bị như thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối tham gia phân phối xăng E5, thưa ông?
Ông Nguyễn Sinh Khang: Ngày 31/5/2014, tại Quảng Ngãi, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thống nhất, trong khi chờ cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, tạm thời áp dụng giá bán lẻ xăng E5 Ron 92 bằng giá bán lẻ xăng khoáng Mogas 92 trên thị trường.
Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phân phối và tiêu dùng sản phẩm xăng E5 Ron 92 trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển thị trường nhiên liệu sinh học, Tập đoàn đã chỉ đạo Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) nghiên cứu áp dụng cơ chế chính sách giá E5 hợp lý cho các doanh nghiệp đầu mối.
PV: Thực tế cho thấy, hiện nay người tiêu dùng trong nước vẫn chưa mặn mà với nhiên liệu sinh học. Theo ông, cần có biện pháp gì để khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu này?
Ông Nguyễn Sinh Khang: Xăng sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng đang được sử dụng rộng rãi với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Xăng E5 thân thiện với môi trường, vì giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong các nhiên liệu truyền thống như CO2, SO2, hạt bụi và khí CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng trong nước hiểu và ủng hộ việc sử dụng nhiên liệu sinh học cần có biện pháp, giải pháp quyết liệt, cụ thể và đồng bộ từ phía nhà nước như: Tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền về nhiên liệu sinh học. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện đề án quảng bá “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển nhiên liệu sinh học”; xem xét đưa chương trình nhiên liệu sinh học thành một chương trình mang tầm cỡ quốc gia; các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với các cơ quan khoa học, quản lý của Nhà nước đưa nhiên liệu sinh học thành chương trình thường xuyên để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân hiểu đúng và ủng hộ tiêu dùng với nhiên liệu sinh học.
Thay đổi cách tiếp cận đối với xăng sinh học, nhằm tránh tạo sự khác biệt, nhầm lẫn về chất lượng giữa xăng sinh học và xăng khoáng, gây khó khăn cho việc lựa chọn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể để khuyến khích sản xuất, phân phối và tiêu dùng xăng sinh học, đặc biệt trong giai đoạn đầu.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!