Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo - Viện năng lượng: "Cần phát triển điện gió ở gần bờ, ven bờ và ngoài khơi"
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo - Viện năng lượng
|
Đến thời điểm hiện tại, điện gió ở Việt Nam mới sản xuất được 52MW/ 1000MW dự kiến. Các dự án mang tính thương mại hầu như không xuất hiện từ khi Quyết định 37/2011/QĐ - TTg ban hành. Hiện tại chỉ có 3 dự án đặc thù: Dự án vốn vay mang tính chất thương mại, dự án được bảo lãnh của chính phủ và dự án được đầu tư bởi tập đoàn nhà nước.
Chính vì vậy, cho đến năm 2020 nếu chỉ có 3 dự án này hoạt động, sản lượng điện sản xuất chỉ đạt 250 MW. Việc vận hành theo Quyết định 37, theo tâm tư của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay, giá điện sẽ không phù hợp và cần xem xét điều chỉnh nếu như muốn tiếp tục đầu tư phát triển điện gió ở Việt Nam.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tiến hành triển khai nghiên cứu, rà soát Quyết định 37 để phát triển ngành điện gió tại Việt Nam.
Trước mắt sẽ hỗ trợ Cục năng lượng - Bộ Công thương rà soát lại cơ chế hỗ trợ giá FiT hiện nay cho điện gió. Thứ hai là xác định nguyên nhân ảnh hưởng tới việc triển khai điện gió chậm hơn so với dự kiến. Thứ ba là đưa ra các giải pháp đầy đủ để vượt qua những cản trở, rào cản hiện tại để hướng tới phát triển năng lượng sạch nói chung và điện gió nói riêng. Đây là một loại hình mới nên trong quá trình phát triển, chủ đầu tư cùng cơ quan quản lý gặp phải rất nhiều khó khăn.
Việt Nam có tiềm năng với đường bờ biển dài, sẽ cần phát triển dự án điện gió ở gần bờ, ven bờ và ngoài khơi. Trong khi đó Quyết định 37 chỉ tập trung triển khai điện gió ở trong bờ, trên đất liền. Chúng ta nên phát triển điện gió theo kiểu cuốn chiếu, nơi có tiềm năng lớn làm trước. Viện Năng lượng đã đưa ra kiến nghị để chỉnh sửa khung chính sách, bao gồm các quyết định liên quan đến điện gió nói riêng và các chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo nói chung, các cơ chế hỗ trợ về thuế, đất, giá, tiếp cận, đấu nối để phấn đấu điện gió đạt 1GW năm 2020. Cần phải dung hòa hơn nữa giá điện gió cho phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Ông Dominik Dersch - Tư vấn tài chính từ Đức: "Nhà đầu tư chưa hiểu về gió"
Ông Dominik Dersch - Tư vấn tài chính từ Đức
|
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư vào điện gió vì nghĩ rằng làm điện gió vừa dễ vừa lãi nhanh, mà không hiểu về gió. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi có ý định đầu tư vào điện gió tại Việt Nam, thường được các nhà tư vấn nói quá về tiềm năng gió cũng như triển vọng của dự án. Tuy nhiên, sau khi đo gió thực tế tại vùng triển khai dự án thì chế độ gió lại không đạt, nên nhà đầu tư bỏ đi.
Vào năm 2001, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) từng công bố một nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020.
Đó chính là nguyên nhân khiến điện gió tại Việt Nam từng là một trào lưu. Thế nhưng, sau quá trình khảo sát, mới biết thực tế tiềm năng điện gió của Việt Nam chưa tới 2% so với dự tính của WB, và không phải vùng nào cũng xây được nhà máy điện gió.
Nghiên cứu tại 3 dự án điện gió đang hoạt động cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1 MW điện gió và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho 1 MW điện gió. Như vậy, với giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 UScent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.
Hướng đi chưa đúng trong chiến lược phát triển điện gió tại Việt Nam là ưu tiên xây các nhà máy điện gió trên các vùng biển ven bờ. Xây trên biển thì không mất phí sử dụng đất, nhưng chi phí xây dựng cột điện gió từ dưới nước lên cao gấp nhiều lần. Bởi vậy, thực tế điện gió trên bờ sẽ thuận tiện hơn nhờ có cơ sở hạ tầng, nên chi phí sẽ rẻ hơn. GIZ đề xuất điều chỉnh khung chính sách phát triển điện gió theo hướng thiết kế các thanh toán giá Fit theo hình thức chế độ một cửa, làm như vậy sẽ thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, bởi vì họ sẽ có được nguồn thu chỉ do một bên chi trả.
Tiếp theo, Chính phủ cũng đang hỗ trợ thanh toán cho điện gió, như vậy nó cũng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Từ đó đảm bảo cho các dự án có thể có nguồn vốn từ các ngân hàng. Phía GIZ hi vọng sẽ có những hỗ trợ từ Chính phủ, nhờ đó sẽ có hỗ trọ tốt hơn từ phía ngân hàng. Nhờ vậy, khả năng vay nợ từ các ngân hàng với các điều kiện tài chính sẽ thuận lợi hơn.Một khi tạo độ tin cậy tốt hơn thì chi phí vốn cũng sẽ giảm đi, có tác động đến tốc độ sinh lời.
Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa chất lượng của quá trình đo gió. Nếu làm được như vậy sẽ giúp cho các tính toán tài chính có độ tin cậy tốt hơn, tính khả thi của dự án cũng tăng lên. Hi vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có mức độ uy tín về điện gió trên thị trường hơn, dự phòng rủi ro giảm đi, giảm chi phí sản xuất điện. Dựa trên các tính toán, mức giá điện đề xuất áp dụng cho điện gió trên đất liền sẽ là 10,4 cents/kWh áp dụng cho 1 GW để đạt đươc mục tiêu đến năm 2020 theo Quy hoạch Phát triển Điện Quốc Gia.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng: "Giá điện tiệm cận với giá thị trường là cơ hội tốt để phát triển điện gió"
Khi xây dựng Quyết định 37/2011/QĐ - TTg, quan điểm chỉ đạo mong muốn phát triển điện gió thay thế cho nhiệt điện than nhập khẩu.
Ông Lê Tuấn Phong - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng
|
Quyết định này được áp dụng các cơ chế ưu đãi hiện nay về thuế, thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế, ưu đãi thuê đất cho các nhà đầu tư điện gió.
Nhà nước lúc đó xác định giá điện than nhập khẩu là 6,8 censt/kWh. Với các cơ chế hiện hành, vay ưu đãi từ các ngân hàng phát triển, miễn thuế, giảm thuế, trong những năm đầu miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi về thuế đất thì giá điện gió là 10 cents/kWh, trong đó có 1 cent hỗ trợ từ nhà nước.
Vốn đầu tư có 2 phần: vốn của chủ đầu tư và vốn vay. Cần xem xét năng lực của các chủ đầu tư có thể huy động vốn là bao nhiêu phần trăm. Nếu quy định 30% sẽ là trở ngại cho các nhà đầu tư, vậy nên có thể giảm xuống 20% có được không? Về phần vốn vay, cần dựa trên nguồn vốn của chủ đầu tư, nếu vay thương mại chi phí vốn cao. Còn vay ưu đãi chi phí vốn thấp. Khi đó mới cân bằng lợi nhuận của chủ đầu tư, giá điện cũng sẽ khác nhau.
Chúng ta cũng cần xem xét phân nhóm các dự án điện gió trên đất liền và ngoài biển, đưa mức giá khác nhau cho các dự án này, tùy theo suất đầu tư tăng hay giảm, tình hình tài chính thế nào.
Ngoài ra, việc xem xét chủ đầu tư vào điện gió có khác gì so với đầu tư vào thủy điện nhỏ và các nhà máy điện ra sao để xác định lợi nhuận hợp lý, để các nhà đầu tư vào điện gió có lợi nhuận phát triển và công bằng hơn. Khuyến khích đầu tư vào điện gió bằng mức lợi nhuận tương đương đầu tư các ngành điện khác.
Đã đến lúc phải có quy định, khi chủ đầu tư được cấp phép sản xuất điện gió thì phải có người mua. Tính đến năm 2020, 2030 với giá điện như thế liệu có tác động đến giá điện chung, có ảnh hưởng đến người tiêu dùng không? Hiện nay, ngành Điện đang tái cơ cấu, thực hiện đưa giá năng lượng, giá điện tiệm cận với giá thị trường, chênh lệch giữa năng lượng tái tạo và giá điện sinh hoạt sẽ thấp dần. Đây sẽ là điều kiện tốt để đưa giá bán phù hợp cho điện gió.