TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: Sức lan tỏa của những bài báo là rất lớn

"Đây là một cuộc thi cấp quốc gia nên sức lan tỏa rất lớn. Bởi trong suy nghĩ của người dân, người làm báo vốn khách quan, nên thông tin họ được xem, được nghe và được đọc từ các tác phẩm báo chí thường có tính thuyết phục cao." Đánh giá về Giải Báo chí toàn quốc về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - năm 2013”,  TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam- Trưởng Ban tổ chức Giải nhận định khi trao đổi với tietkiemnangluong.vn.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về chất lượng các tác phẩm tham dự giải năm 2013?

TS.  Trần Bá Dung

TS. Trần Bá Dung: So với năm 2012, các tác phẩm tham dự Giải năm 2013 vượt trội về số lượng và chất lượng, phản ánh một cách chi tiết mọi lĩnh vực liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều tác phẩm phát hiện được những mô hình tốt, cách làm hay, giới thiệu các công nghệ, nguồn năng lượng mới đã được áp dụng hiệu quả trong cuộc sống…

300 tác phẩm dự thi, trong đó, 32 tác phẩm đạt giải ở 4 loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in và báo điện tử) là con số ấn tượng của Giải.

Có nhiều tác phẩm sáng tạo trong phong cách thể hiện. Điển hình là Chương trình 360 độ Xanh của kênh truyền hình An ninh TV. Không phải là những chỉ dẫn hay giới thiệu một cách đơn thuần, Chương trình đã mời các ngôi sao nổi tiếng để giới thiệu những giải pháp tiết kiệm điện rất đơn giản mà hấp dẫn. Đây là một hình thức tuyên truyền hiệu quả, có sức hút rất lớn với cộng đồng.

PV: Là người thẩm định, chấm điểm cho các tác phẩm tham dự giải, ông đánh giá thế nào về công sức, tâm huyết mà các tác giả bỏ ra?

TS. Trần Bá Dung: Qua các tác phẩm, chúng tôi có thể hình dung được sức lao động sáng tạo của các tác giả là vô cùng lớn, không thể cân đong đo, đếm một cách cụ thể được.

Một tác phẩm chỉ vài trăm, vài nghìn chữ; hay chỉ phát 3-5 phút trên truyền hình, phát thanh, nhưng để hoàn thành, các phóng viên, nhà báo phải đầu tư không chỉ là thời gian, công sức, mà là cả một quá trình tư duy, tìm kiếm, phát hiện đề tài; tập hợp tư liệu, đến kiểm định qua thực tế cuộc sống đa dạng và phong phú… Có những tác phẩm, tác giả phải đi đến những bản vùng sâu, vùng xa như: “Bok tới sáng “cái điện” Bok Hồ”; xuống địa phương “bám” dân, bám sản xuất tại hiện trường như: “Người trồng thanh long, lãi cao nhờ đèn compact”…

PV: Theo ông, Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có là một kênh truyền thông mạnh trong lĩnh vực tiết kiệm điện?

TS. Trần Bá Dung: Đây là một cuộc thi cấp quốc gia nên sức lan tỏa rất lớn. So với truyền thông theo ngành dọc mà chỉ Bộ Công Thương và ngành Điện thực hiện, hiệu quả tuyên truyền của Giải lớn hơn rất nhiều. Bởi trong suy nghĩ của người dân, người làm báo vốn khách quan, nên thông tin họ được xem, được nghe và được đọc từ các tác phẩm báo chí thường có tính thuyết phục cao.

Có thể khẳng định, truyền thông đại chúng có “sức mạnh” vô cùng to lớn trong tuyên truyền tiết kiệm điện. Việc tổ chức giải nhằm động viên, khích lệ các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên từ trung ương đến địa phương nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong cách viết, cách thông tin, tuyên truyền để các tác phẩm báo chí là một "kênh" hữu hiệu góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

PV: Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền “nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2014” vừa được phát động. So với năm 2013, Giải năm nay có gì mới không, thưa ông?

TS. Trần Bá Dung: Là cuộc thi đã được tổ chức nhiều năm liền và bám theo Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thể lệ cuộc thi vẫn không có gì khác biệt so với năm 2013. Tuy nhiên, năm 2014, Ban tổ chức sẽ khuyến khích những tác phẩm có tính phát hiện, có chiều sâu phân tích hơn là những tác phẩm phản ánh thực tế.

Cảm ơn ông!

Huỳnh Thị Mỹ Hoa - Báo Cần Thơ, giải A loại hình báo in: Tôi thật sự rất vui và xúc động. Hai năm tham gia viết về tiết kiệm năng lượng, sâu sát với thực tế, tôi thấy ý thức của người dân trong sử dụng điện tiết kiệm đã nâng dần lên. Còn bản thân tôi lại trở thành một tuyên truyền viên về  tiết kiệm điện.

Lê Anh Vĩnh - Đài PT-TH Quảng Ngãi, Giải A loại hình phát thanh (đã 6 lần đạt giải tại cuộc thi này): Vui vì cống hiến của mình được ghi nhận, nhưng tôi hi vọng, các tác phẩm sẽ đến được với đông đảo người dân hơn nữa… Bởi mục tiêu của chúng ta không phải thực hiện các tác phẩm để đi thi, mà mang thông điệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến với đông đảo người dân.

 


  • 17/07/2014 09:00
  • Hồng Hoa (thực hiện)
  • 3054