Tiết kiệm năng lượng không có nghĩa là không dùng mà dùng với hiệu quả cao nhất

Đó là ý kiến của ông Đỗ Gia Phan - Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khi trao đổi với tietkiemnangluong.vn. Ông Phan cũng cho rằng việc thông tin quảng cáo về các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm cần chính xác, tin cậy, phù hợp với thực tế và cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc buôn bán các loại thiết bị không phải là thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Ông Đỗ Gia Phan - Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề tiết kiệm năng lượng của người tiêu dùng Việt Nam?

Ông Đỗ Gia Phan: Ý thức và sự hiểu biết về TKNL trong người tiêu dùng nước ta thời gian gần đây tuy có được nâng cao, nhưng chưa đầy đủ và vẫn ở mức thấp. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến TKNL với ý nghĩa rộng lớn của vấn đề này như: TKNL góp phần vào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ngay cả việc tiết kiệm ngân sách cho gia đình, nhiều người cũng không mấy quan tâm vì không phải người nào trong gia đình cũng phải trả chi phí cho tiền điện, tiền nước.

Hiện nay, giá điện đã được điều chỉnh và lũy tiến để khuyến khích tiết kiệm điện, nhưng đối với một số gia đình, nhất là những gia đình khá giả, tiền điện chiếm phần không lớn trong ngân sách gia đình họ, nên biện pháp này cũng không có mấy tác dụng.

Phần lớn người tiêu dùng không nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện trong giờ cao điểm. Đối với các dạng năng lượng khác như xăng dầu, gas, nước sạch… thì tình hình lãng phí vẫn còn khá phổ biến.

PV: Ông có nhận xét gì về việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng hiện nay?

Ông Đỗ Gia Phan: Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về TKNL là mấu chốt. Cho đến nay, việc vận động TKNL tuy đã được triển khai nhưng chưa được thường xuyên và rộng khắp, nhiều nơi, nhiều lúc còn nặng hình thức, thiếu thực chất, số liệu tổng kết báo cáo còn thiếu cụ thể, mang nặng tư tưởng hình thức không có tính thuyết phục. Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị điện TKNL được quảng cáo tràn lan với những ngôn từ phô trương, làm cho người tiêu dùng dị ứng, không tin. Nhiều thiết bị gọi là TKNL được bày bán công khai nhưng thực chất chỉ là trò lừa, hoặc thiết bị dùng để ăn cắp điện chứ không hề có tác dụng tiết kiệm điện.

Các cơ quan thông tin đại chúng, công cụ hết sức quan trọng trong cuộc vận động TKNL cũng chưa làm tốt công việc của mình. Gần đây đã có những chương trình vận động tiết kiệm điện trên truyền hình, nhưng chưa được thường xuyên, hình thức vẫn còn đơn điệu. Thậm chí, bản thân một số người làm truyền thông, kiến thức về năng lượng cũng còn hạn chế, không phân biệt được kW và kWh, một loại kiến thức phổ thông mà ai từng học qua phổ thông đều đã học qua.

PV: Trên quan điểm cá nhân, ông có góp ý gì cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người tiêu dùng?

Ông Đỗ Gia Phan: Theo tôi, để nâng cao ý thức TKNL với người tiêu dùng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành cần tăng cường việc thông tin và giáo dục người tiêu dùng, gắn việc giáo dục về TKNL với vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. TKNL chủ yếu là tiết kiệm điện, nhưng cũng không nên bỏ qua các dạng năng lượng khác.

Việc thông tin quảng cáo về các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm cần chính xác, tin cậy, phù hợp với thực tế và cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc buôn bán các loại thiết bị không phải là thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến nhất như truyền hình, phát thanh… cần có những chuyên mục định kỳ thường xuyên về hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, cần nhấn mạnh TKNL không có nghĩa là không dùng mà dùng với hiệu quả cao nhất, thỏa mãn nhu cầu với chi phí thấp nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 03/10/2014 03:18
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 2367