Công trình xanh hiện vẫn còn xa lạ
“Công trình xanh” là một trong các giải pháp giảm thiểu phát thải nhà kínhđã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, phổ biến và áp dụng từ năm 1995.
Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Dalat, một trong những công trình của Việt Nam đạt được nhiều tiêu chí trong công trình xanh
|
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Tiêu chuẩn năng lượng trong công trình xanh -Hiện trạng và giải pháp” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Trung tâm Tiết kiệm năng lượng phối hợp cùng Sở Xây dựng TPHCM tổ chức, cho thấy, việc áp dụng những quy chuẩn năng lượng trong công trình xanh còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Khánh Trung - Giám đốc Công ty CP Thiết kế Tâm Trung Thông, khái niệm “công trình xanh” hiện vẫn còn rất xa lạ với người dân Việt Nam. Chủ đầu tư chưa có sự hiểu biết và quan tâm đến vấn đề này mà chỉ quan tâm đến kinh phí và tính thẩm mỹ khi xây dựng công trình. Bên cạnh đó, chi phí cho xây dựng công trình xanh cao hơn khoảng 15-30% so với công trình bình thường đã gây những khó khăn nhất định trong việc thực hiện công trình xanh.
Theo Hội đồng xanh Hoa Kỳ, một tòa nhà được công nhận là công trình xanh phải thỏa mãn các tiêu chí thuộc 5 lĩnh vực sau: Địa điểm bền vững; hiệu quả sử dụng nước; hiệu quả năng lượng; vật liệu và tài nguyên; chất lượng môi trường trong nhà.
Để công trình xanh không còn xa lạ
Đại diện Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), ông Darren ODea cho biết: Việt Nam đang đứng trước thánh thức về đô thị hóa nhanh. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm dân số đô thị tăng lên 1 triệu người. Đến năm 2020, diện tích xây dựng sẽ tăng gấp đôi. Điều đáng nói ở đây là Việt Nam tuy rất thiếu điện, nhưng việc sử dụng điện lại không hiệu quả. Vì thế, Việt Nam rất cần các giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm năng lượng. |
|
Ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, ở Việt Nam, việc xây dựng công trình xanh đã có từ rất lâu, nhưng việc xem xét, đánh giá hiệu quả cụ thể thì chưa được quan tâm nhiều. Hội đồng Công trình xanh VGBD (Vietnam Green Building Council), được hình thành từ năm 2005, năm 2007 đi vào hoạt động. Nhưng ở nước ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn công trình xanh. Bộ Xây dựng đã công nhận và chấp thuận cho VGBD hiện đang xây dựng bộ tiêu chuẩn LOTUS để đánh giá công nhận Công trình xanh tại Việt nam.
Theo ông Sơn, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nên vấn đề thông gió và làm mát là rất quan trọng. Công trình cần có giải pháp thông thoáng lấy nhiều không khí tự nhiên, tránh nhiệt mặt trời. Bên cạnh đó, cần phải bảo tồn cảnh quan tự nhiên và đa dạng sinh học. Áp dụng hoặc cải tiến các “giải pháp xanh” của thế giới để thực hiện các công trình phù hợp ở Việt Nam, như “lõi sinh thái” của tòa nhà, mái xanh, ống dẫn ánh sáng, che nắng, sử dụng năng lượng pin mặt trời, tuabin gió, bể thu hồi nước mưa, xử lý và sử dụng nước thải, bề mặt thấm nước, “vườn ướt”, “hồ sinh thái”, hồ giữ nước.
Những lợi ích nhiều chiều mà các công trình xanh mang lại là một thực tế không thể phủ nhận. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công trình xanh, thuyết phục các các nhà đầu tư hưởng ứng là rất quan trọng và cần thiết.
* Trên thế giới hiện nay có khoảng 24 hệ thống đánh giá công trình xanh, trong đó một số nước dùng chung một hệ thống như Canada, Ấn Độ dùng LEED, Australia, New Zealand, South Africa dùng Green Star,v.v.
* Hệ thống đánh giá công trình xanh đầu tiên ra đời năm 1990 là hệ thống BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Method) của Vương quốc Anh.
|