Làm thế nào kéo dài thời gian sử dụng bình nước điện?

Mặc dù là thiết bị thông dụng, được sử dụng rộng rãi, nhưng với cấu tạo phức tạp, việc sử dụng, bảo quản bình nước điện sao cho bền và an toàn là điều không phải người sử dụng nào cũng biết.

Chọn dung tích bình phù hợp

Bình nước điện vừa là ấm siêu tốc, vừa là một dạng phích nước, có ruột chứa nước làm bằng inox hoặc kim loại phủ lớp chống dính. Tác dụng chủ yếu của bình là đun nước. Ngoài ra, bình còn có thêm một số chức năng như: Giữ ấm nước, đun sôi lại, khử mùi…

bình nước điện, tiết kiệm điện, sử dụng

Việc sử dụng đúng những khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ của bình nước điện - Ảnh: Nguồn Internet.

Theo Kỹ sư Nguyễn Thế Dũng, Phụ trách Trung tâm Bảo hành tại Siêu thị điện máy Thiên Hoà: “Tuỳ theo số người trong gia đình và nhu cầu sử dụng nước nóng, người tiêu dùng có thể lựa chọn dung tích bình cho phù hợp. Thông thường, các gia đình ưa chuộng loại có dung tích từ 2,2 - 5 lít. Bên cạnh đó, để kiểm tra một bình nước điện tốt, người sử dụng nên kiểm tra phần nắp bình xem được lắp đặt chắc chắn hay không. Nếu nắp bình đóng kín, không lỏng lẻo là bình thủy điện tốt, khả năng giữ nhiệt cao, tiết kiệm thời gian đun nước và lượng điện năng tiêu thụ”.

Để kéo dài tuổi thọ của bình, Kỹ sư Nguyễn Thế Dũng cũng đưa ra một số khuyến cáo sau:

-  Không tự ý sửa chữa hay tháo rời bình nước điện khi có sự cố: Làm như vậy rất dễ gây hư hại các bộ phận của bình. Nếu bình còn thời hạn bảo hành, hãy liên hệ với đơn vị bán hàng để được tư vấn, sửa chữa hay thay mới.

- Không dùng bình để đun đồ uống như trà, đậu nành, sữa hay các loại ngũ cốc... và không cho các gia vị như muối, đường... vào trong bình vì sẽ làm hư hại hay bào mòn ruột bình, hoặc làm kẹt ống bơm nước.

- Phải đóng chặt nắp bình khi đun, không được đổ nước quá mức quy định: Nếu đóng không chặt và đổ nước quá quy định sẽ gây trào nước khi sôi, không chỉ nguy hiểm cho người dùng mà còn có khả năng dẫn tới chập cháy, rò rỉ điện. Chỉ đổ khoảng 2/3 mức nước quy định với mục đích giữ nhiệt. Khi đó, nhiệt sẽ truyền ra vỏ phích chậm hơn, giữ nước sôi lâu hơn, giúp tiết kiệm điện.

- Không đặt bình gần bếp gas hay khu vực toả nhiệt cao: Gây biến dạng bình do nhiệt và cháy nổ do chập điện. Nên để bình ở nơi khô ráo, thoáng đãng, tránh xa tầm tay trẻ em, tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn gây mất vệ sinh.

- Không ngâm bình trong nước, rửa bình bằng nước hay để bình ở nơi ẩm thấp: Khiến các bộ phận của bình bị ẩm và ngấm nước, gây chập điện, rò điện khi đun.

- Không đổ nước lạnh một cách đột ngột vào bình khi bình đang nóng: Dễ gây nổ hoặc trầy xước ruột phích bên trong.

- Không dùng đá lạnh làm nguội nước trong bình: Vì sẽ tạo ra hơi nước bám xung quanh dẫn đến tình trạng rò rỉ điện.

- Không để khăn hay vải phủ lên chỗ thoát hơi nước của bình: Khiến nước sôi không thoát hơi ra ngoài được, áp suất trong bình thủy điện tăng, dẫn đến nguy cơ nổ.

- Không làm xước, gấp khúc hay xoắn dây điện của bình: Dễ làm dây hư hỏng và rò rỉ điện.


  • 16/09/2016 10:04
  • Theo: TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 4087