Lắp thiết bị xua đuổi chim đậu trên đường dây truyền tải 110kV Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi

Việc tiến hành lắp đặt thiết bị này là một phần trong việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo nội dung thỏa thuận tín dụng mà Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) đã ký kết với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Tấm che chuỗi sứ (màu đỏ) được Công ty DHD lắp đặt trên đường dây 110kV Hàm Thuận - Đức Linh. Ảnh: Tuấn Ngọc.

Theo nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường đã được ADB thông qua, DHD ngoài việc thực hiện đánh giá hàng quý về đa dạng sinh học tại hồ Đa Mi khi nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành, còn phải lắp đặt thiết bị xua đuổi chim đậu trên đường dây truyền tải điện 110kV nhằm tránh các cá thể chim bị ảnh hưởng do các nguyên nhân từ điện.

Cụ thể, Công ty DHD đã tiến hành lắp đặt tấm che chuỗi sứ treo và các chong chóng gió dọc theo đường dây 100kV từ nhà máy tới điểm kết nối với đường dây 110kV Hàm Thuận - Đức Linh. 

Chong chóng gió là thiết bị tự quay nhờ lực tác động của gió tự nhiên. Thiết bị được làm bằng nhựa ABS chịu được tia UV từ ánh nắng mặt trời. Trên cánh chong chóng có lắp gương phản chiếu 360 độ, không có điểm chết. Chân đỡ chong chóng làm bằng thép mạ kẽm hoặc bằng nhựa ABS. Đường kính quạt gió dài 60cm, có thể hoạt động từ cấp độ gió 0,3 m/s.

Tấm che chuỗi sứ treo làm bằng nhựa composite màu đỏ, đường kính từ 60 đến 80cm. Khi phản chiếu dưới ánh sáng mặt trời, tấm che sẽ hạn chế chim đến làm tổ, đồng thời che chuỗi sứ bên dưới không bị dính chất thải của chim từ bên trên rơi xuống. Việc hạn chế chim đậu và làm tổ trên các chuỗi sứ treo sẽ giảm thiểu sự cố gây phóng điện do chim trời, qua đó giảm thiểu các các thể chim trời bị ảnh hưởng trên đường dây truyền tải.

Trước đó, nhằm bảo vệ môi trường cũng như thực hiện cam kết theo nội dung thỏa thuận đã ký với ADB, Công ty DHD đã phối hợp với Công ty CP KHCN Phân tích môi trường Biển Đức tiến hành đo kiểm môi trường nước hồ khu vực Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi.

Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi do DHD đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 47,5 MWp, lắp đặt 143.940 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 50 ha mặt hồ Thuỷ điện Đa Mi, thuộc địa bàn xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) và các xã Đa Mi, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), tỉnh Bình Thuận, sản lượng điện khoảng 70 triệu kWh/năm.


  • 16/12/2019 09:25
  • Ngọc Tuấn
  • 3047