Toàn cảnh hội thảo
|
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 7GW điện gió ngoài khơi.
Nguồn điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với quy mô lớn do có tiềm năng kỹ thuật tương đối tốt trên phạm vi các vùng lãnh hải của cả nước và đặc tính kỹ thuật vượt trội so với các nguồn điện mặt trời và điện gió trên bờ, tuy nhiên loại hình nguồn điện này chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam. Việc hiện thực hóa công suất dự kiến quy hoạch 7GW đến năm 2030 là một thách thức lớn.
Tại hội thảo đã diễn ra 2 phiên họp: Hướng tới mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 của Quy hoạch điện VIII - thách thức và chặng đường phía trước; Giải quyết các thách thức trong Lộ trình hiện thực hóa Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước đã trình bày và thảo luận đa dạng các nội dung: Định hướng phát triển điện gió ngoài khơi trong quy hoạch điện quốc gia – Lộ trình và những thách thức; Xác định lộ trình hiện thực hóa phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam - Triển vọng phát triển; hướng tiếp cận các dự án phát triển điện gió ngoài khơi của các nhà đầu tư trong nước; khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển điện gió ngoài khơi; đánh giá chuỗi cung ứng nội địa phần móng công trình điện gió ngoài khơi…
Bên cạnh đó là nhiều bài học từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển điện gió ngoài khơi thành công như: Đài Loan bắt đầu lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi và dẫn đầu ở Châu Á như thế nào? Tổng quan quy trình cấp phép và thực tiễn áp dụng ở Vương quốc Anh và Đan Mạch; kinh nghiệm tạo lập chuỗi cung ứng cạnh tranh nội địa từ các nước Châu Âu… và những khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi phát triển, góp phần đảm bảo thực hiện lộ trình tiến tới Net Zero đến năm 2050.