Mẹo tiết kiệm với thiết bị "ngốn” nhiều điện nhất trong mùa hè

Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện KHCN Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc sử dụng điều hòa không khí trong thời tiết nóng nực là nguyên nhân chính làm cho lượng điện tiêu thụ của gia đình tăng vọt. Có cách nào kiểm soát thiết bị “ngốn” nhiều điện nhất trong nhà?

Cần hiểu đúng về mức “ngốn” điện 

PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng cho biết, điều hòa không khí tiêu tốn từ 28% - 64% tổng lượng điện tiêu thụ trong gia đình. Cụ thể, điều hòa 12.000 BTU/h có dán nhãn năng lượng 5 sao, công suất điện định mức khoảng 1kW, khi hoạt động 8h/ ngày, sẽ tiêu thụ lượng điện trung bình khoảng 200 kWh/ tháng. Nếu gia đình có 2-3 chiếc điều hòa, mức tiêu thụ điện sẽ tăng theo cấp số nhân. 

Mức tiêu thụ điện của điều hòa cũng chịu ảnh hưởng bởi nền nhiệt ngoài trời. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng 2-3%. Nhiều người sử dụng thường có thói quen, trời càng nóng, cài đặt nhiệt độ điều hòa càng thấp. Nhưng nếu nhiệt độ điều hòa trong phòng cài đặt thấp xuống 1 độ, mức tiêu thụ điện sẽ tăng thêm 1,5-3%.

Sáng suốt khi chọn mua 

Nếu điều hòa có nhãn năng lượng càng nhiều sao, hiệu suất sử dụng năng lượng càng cao, càng tốt. Chênh lệch giữa sản phẩm dán nhãn 5 sao và 1 sao là khoảng 25% lượng điện tiêu thụ. 

Thực tế, người tiêu dùng thường quan tâm tới giá cả và nhãn hiệu, chưa thực sự quan tâm đến số lượng sao ghi trên nhãn năng lượng. Trong khi đó, nếu tính chi phí cả vòng đời hoạt động của điều hòa, tiền mua ban đầu chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại là tiền điện và tiền bảo trì, sửa chữa.

“Mẹo” vận hành hợp lý

PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng khuyến cáo, khi mới bật điều hòa, để mát nhanh, nên bật nút TURBO, hoặc POWER FULL… (tùy loại). Ở chế độ này, điều hòa sẽ cho độ lạnh cũng như tốc độ quạt cao nhất trong khoảng 30 phút, phòng sẽ được làm lạnh nhanh, sau đó chuyển về chế độ bình thường đã cài đặt.

Vào ban đêm, nên sử dụng chế độ “SLEEP mode” của điều hòa. Ở chế độ này, tùy loại máy, sau khoảng 1- 2 giờ, nhiệt độ cài đặt sẽ tăng thêm 1 độ C cho tới khi đạt 28-29 độ C, điều hòa sẽ giữ nguyên trạng thái vận hành.

Lưu ý, không nên đặt nhiệt độ quá thấp. Chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ ngoài trời không nên vượt quá 7-10 độ C. Tốt nhất, nên đặt nhiệt độ ở 26-28 độ C và dùng thêm quạt đảo gió (quạt cây, quạt trần). Trường hợp này, người sử dụng sẽ có cảm giác mát như khi cài đặt 22-24 độ C, mà nhiệt độ trong phòng lại rất đồng đều, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa tiết kiệm điện.

Tắt điều hòa đúng cách

Nếu tắt điều hòa bằng thiết bị điều khiển mà không cắt Aptomat, vẫn sẽ tiêu tốn 8-20 W/h, tương đương 1 bóng đèn. Tính cả năm, con số này không hề nhỏ. Do đó, nếu không sử dụng thiết bị điện này trong thời gian dài, nên tắt nguồn điện. 

Một số lưu ý khi lắp đặt và bảo trì điều hòa

Lắp đặt:

- Dàn nóng đặt ở chỗ thoáng, mát, không bị ánh nắng chiếu vào, không bụi bẩn, không ngược chiều gió.

- Dàn lạnh đặt ở vị trí không cản gió, độ lạnh được phân phối đều cho cả phòng.

- Ống ga nối hai dàn càng ngắn càng tốt (giới hạn tối đa 5m).

- Chênh lệch chiều cao giữa dàn nóng và dàn lạnh càng nhỏ càng tốt (giới hạn tối đa 3m).

- Lắp rèm tránh nắng cho phòng điều hòa.

Bảo trì:

- Trước mỗi mùa sử dụng cần bảo dưỡng kỹ, xịt rửa sạch dàn nóng.

- Kiểm tra hộp đấu điện, nạp thêm ga nếu cần. Thiếu ga hoặc thừa ga đều làm máy tốn điện nhiều hơn.

- Vệ sinh sạch sẽ các tấm lọc bụi dàn lạnh, trung bình một tháng một lần.


  • 04/07/2019 08:24
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 1507