Khởi hành từ New York vào tháng 3 năm ngoái, chiếc máy bay một người lái có kích thước sải cánh tương đương Boeing 747 này được thiết kế không phải nhằm mục đích chuyên chở hành khách mà để truyền đi thông điệp về sử dụng công nghệ sạch.
Chuyến bay lịch sử này cũng đã gặp không ít khó khăn, bị trì hoãn nhiều tuần liền do gió giật ở Trung Quốc vào đầu năm ngoái, hay pin quá nóng khi đi ngang qua eo biển Thái Bình Dương khiến cả mùa đông chiếc máy bay phải nằm trong kho chứa máy bay tại Hawaii. Tuy nhiên, rốt cuộc Bertrand Piccard và Andre Borschberg, hai nhà sáng lập dự án, đã lần lượt điều khiển chiếc máy bay trên suốt quãng đường bay hơn 40.000 km (chia thành 17 chặng), mà không hề sử dụng đến nhiên liệu.
Nhà sáng lập Bertrand Piccard chụp ảnh selfie. (Ảnh: Solar Impulse)
|
Nhà sáng lập Bertrand Piccard khẳng định, đây là điều chưa từng có không chỉ trong lịch sử ngành hàng không mà còn trong lịch sử ngành năng lượng, và chắc chắn trong 10 năm tới sẽ có những chiếc máy bay chạy bằng điện chở 50 hành khách trong những chuyến bay ngắn hoặc trung bình.
Giờ đây, khi ước mơ về máy bay không khí thải đã trở thành hiện thực, người ta đang tự hỏi bao giờ sẽ có chuyến bay thương mại không khí thải đầu tiên, và quốc gia nào sẽ cung cấp công nghệ này? Thế nhưng, phía sau những lợi ích trước mắt mà chuyến đi đem lại chính là ứng dụng công nghệ pin mặt trời trong gia đình, văn phòng và nhà máy.
Ông Piccard cho rằng, những công nghệ sạch dùng trong ngành hàng không có thể áp dụng ở mọi nơi, không chỉ vì lý do môi trường, mà còn tạo ra lợi nhuận và việc làm. Những vật liệu siêu nhẹ và những bộ phận khác của máy bay không khí thải có thể dùng trong thi công đường xá, chẳng hạn như các loại dây nguội (dây nối đất cách điện) mới và nhiều vật liệu xây dựng siêu nhẹ khác. Hiệu suất năng lượng cung cấp cho động cơ máy bay trong 24 giờ có thể được ứng dụng vào sản xuất xe hơi. Trong khi đó, Pin Li-Po (Lithium Polymer) tiết kiệm năng lượng giúp máy bay bay cả đêm sẽ thay đổi cách thức dự trữ năng lượng hiện tại.
Phụ trách sản xuất pin mặt trời cho chiếc máy bay Solar Impulse, Công ty SunPower đã tiến xa trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng mặt trời bền vững trong suốt tám năm thực hiện dự án. Những nghiên cứu cho chiếc xe đua dùng năng lượng mặt trời Honda Dream hay chiếc rover đã thám hiểm chỏm băng Greenland của NASA, cũng đang được áp dụng trong các dự án dân sự và thương mại.
Ông Piccard hy vọng sẽ thiết lập được một hội đồng thế giới về công nghệ sạch, nơi các chuyên gia và các nhà chuyên môn có thể đưa ra lời khuyên cho chính phủ và các tập đoàn lớn về các loại hình công nghệ có thể sử dụng nhằm chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Các nhà sáng lập cũng đã khởi xướng Sáng kiến Future Clean với hỗ trợ thiết kế từ Google nhằm đề cao tiềm năng của các công nghệ sạch trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc vào năm ngoái tại Paris.
Mặc dù vậy, chiếc Solar Impulse có lẽ không thể hứa hẹn trở thành một giải pháp phi carbon hóa cho ngành công nghiệp hàng không. Năng lượng mặt trời có thể giúp những máy bay loại nhỏ hoạt động, nhưng không phải là một giải pháp thực tế cho những chiếc máy bay thương mại vốn nặng hơn rất nhiều với những chuyến bay liên tục – kể cả với tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể tiếp tục làm ngơ trước vấn đề khí thải hàng không. Ước tính chỉ riêng một chuyến bay hai chiều của một hành khách từ New York tới London đã thải ra lượng khí nhà kính xấp xỉ việc làm ấm một hộ gia đình trong vòng một năm. Các nhà khoa học vẫn cần tiếp tục nỗ lực tìm ra những giải pháp năng lượng thay thế nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu trì hoãn quá trình nóng lên toàn cầu.