Ông Lê Quang Doanh– Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh:
Sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến
Chúng tôi vừa đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE có đường kính lớn nhất Việt Nam (1.200mm). Số vốn đầu tư là khá lớn, khoảng 80 tỷ đồng. Đây là dây chuyền công nghệ tạo ống định hình chân không, hoàn toàn khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến lúc ra sản phẩm hoàn chỉnh. Điều đặc biệt ở công nghệ này so với công nghệ cũ là tiết kiệm năng lượng, rất ít chất thải và thân thiện với môi trường. Thử làm một phép tính đơn giản sẽ thấy, dây chuyền công nghệ này đưa vào sử dụng sẽ làm giảm giá thành khoảng 20% so với sản phẩm nhựa cùng loại, bởi nguyên liệu đầu vào là hoàn toàn có sẵn trong nước. Về dài hạn, những công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ phù hợp với tương lai và phát triển bền vững.
Ông Kiều Việt Phương – Phụ trách kỹ thuật điện Công ty Daewoo Bus
Áp dụng nhiều biện pháp
Ngoài các biện pháp tiết kiệm điện thông thường như duy trì nhiệt độ máy điều hòa văn phòng ở mức từ 25 độ C trở lên, ra khỏi phòng tắt các thiết bị điện không cần thiết và tắt đèn chiếu sáng… thì toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong khuôn viên nhà máy cũng như đèn chiếu sáng trong nhà xưởng, chúng tôi đều cho lắp đặt thiết bị hẹn giờ đóng, cắt. Mỗi bóng đèn công suất khoảng 250W, toàn bộ khuôn viên có hơn 100 bóng đèn, do vậy lượng điện tiết kiệm được trong chiếu sáng lên tới 25%.
Trong sản xuất, thay vì khởi động và dừng động cơ theo phương pháp khởi động trực tiếp qua cầu dao hoặc aptomat, chúng tôi sử dụng loại thiết bị biến tần điều khiển động cơ điện, thực hiện khởi động/dừng và điều chỉnh chính xác số vòng quay động cơ theo yêu cầu công nghệ, không gây sụt áp trên đường dây, không ảnh hưởng đến những máy khác đang vận hành, giúp tăng tuổi thọ động cơ. Trong nhà xưởng, chúng tôi thay thế máy hàn loại thông thường 200 kVA bằng máy hàn 125 kVA vừa nhỏ gọn mà lại có hiệu suất sử dụng cao.
Ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng phòng Cơ điện Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Phúc
Mỗi tháng tiết kiệm hàng chục triệu đồng
Dây chuyền sản xuất dược phẩm là dây chuyền liên hợp. Với các quạt gió công nghiệp, chúng tôi lắp thiết bị giảm tốc độ gió xuống để tiết kiệm điện. Hiện nay, thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng trong các nhà máy là điều hòa trung tâm. Chúng tôi duy trì nhiệt độ thấp tại phòng bảo quản sản phẩm, còn các bộ phận khác như phòng sản xuất hay đóng gói chúng tôi cho tăng nhiệt độ duy trì từ 25°C lên 26°C vào những ngày nóng và 27°C vào những ngày mát trời. Kết quả, chi phí tiền điện trước đây là gần 100 triệu đồng, thì đến nay chỉ còn 80 triệu đồng/tháng.
Lê Quốc Thuận- Quản lý sản phẩm đèn chuyên dụng Philips Lighting Việt Nam
Nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi phí
Trong xu hướng phát triển công nghiệp hiện nay, việc thiếu hụt năng lượng đang trở thành một rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, chiếu sáng trong công nghiệp còn có tiềm năng đáng kể về tiết kiệm điện.
Hiện còn khá nhiều các doanh nghiệp vẫn áp dụng công nghệ chiếu sáng truyền thống. Công nghệ này tuy có chi phí đầu tư thấp, chi phí bảo dưỡng ít, nhưng có nhược điểm là tiêu thụ điện năng cao. Để thay đổi công nghệ chiếu sáng truyền thống, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư những công nghệ chiếu sáng tiên tiến. Đơn giản nhất là có thể thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng các bóng đèn và bộ điện hiệu suất cao hoặc có thể thiết kế lại toàn bộ hệ thống để đạt được hiệu suất chiếu sáng tốt nhất.