Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Trang, đại diện bán hàng cấp cao tại Đài Loan của Tập đoàn Big Sun - một trong những doanh nghiệp hàng đầu Đài Loan về các giải pháp năng lượng mặt trời cho biết: “Big Sun muốn đưa công nghệ mới nhất là các giải pháp về giá đỡ (tracker) cho các tấm pin năng lượng mặt trời vào Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả của các nhà máy điện mặt trời tại đây, đặc biệt là các dự án lớn”.
Được biết, cuối tháng 4/2017, bà Trang đã trở về Việt Nam để giới thiệu công nghệ này với một số nhà đầu tư dự án điện mặt trời. “Chúng tôi cũng muốn hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam để mở các xưởng sản xuất tracker tại đây, nhằm giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, thuế nhập khẩu vào Việt Nam đối với các sản phẩm này là 0%, nhưng vì có trọng lượng lớn, nên chi phí vận chuyển rất cao”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, một trong những lý do khiến Big Sun, cũng như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Đài Loan đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam chính là chính sách mới về phát triển năng lượng mặt trời đã được Chính phủ ban hành, khiến nhiều doanh nghiệp trên thế giới muốn vào Việt Nam thực hiện dự án đầu tư.
Cụ thể, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11//2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời có mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đầu tiên, được miễn trong vòng 4 năm tiếp theo và giảm 50% trong 9 năm tiếp sau đó.
Ngoài ra, dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án. Đặc biệt, Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án hòa lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScent/kWh).
Được biết, Công ty Neo Solar Power Corp. (NSP) của Đài Loan đang hợp tác với doanh nghiệp Vina Solar Technology tại Việt Nam trong một dự án sản xuất năng lượng mặt trời khá lớn.
“Đây mới chỉ là bước hợp tác ban đầu để NSP đẩy mạnh hiện diện tại Việt Nam, nơi vừa có chính sách phát triển mới về năng lượng mặt trời. Chúng tôi sẽ xem xét hợp tác lớn hơn với Vina Solar và mở rộng mạng lưới đối tác tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tim Sun, Phó chủ tịch Bộ phận Bán hàng của NSP nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại Việt Nam hiện có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng xanh được đăng ký, với tổng vốn đăng ký 778 triệu USD. Trong đó, năng lượng gió có tổng vốn đăng ký là 577 triệu USD (74%), tiếp theo là năng lượng mặt trời với 137,38 triệu USD (chiếm 18%) và điện sinh khối với 59,2 triệu USD (chiếm 8%).
Thậm chí, có thông tin cho biết, NSP đang có kế hoạch chuyển dự án sản xuất tế bào quang điện của mình từ Malaysia sang Việt Nam để cắt giảm chi phí sản xuất.
Trong khi đó, LTI ReEnergy - nhà sản xuất công nghệ biến tần (inverter) tại Đài Loan cũng đang xem xét một kế hoạch tiến vào thị trường Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc tập đoàn này, ông Tom Wang cho biết, đầu năm tới, ông sẽ sang Việt Nam thăm dò thị trường, nơi mà nhiều nhà đầu tư năng lượng mặt trời đang quan tâm và mở rộng sản xuất, nhờ sự khuyến khích của Quyết định 11//2017/QĐ-TTg.
Theo ông Wang, công nghệ biến tần là công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay. Công nghệ này ứng dụng để kiểm soát công suất của thiết bị nhằm tránh hao phí năng lượng không đáng có. Ông Wang muốn đưa công nghệ này sang Việt Nam.
Ngoài ra, ông Allen Wu, Phó chủ tịch Trung tâm Marketing và Sales của Motech Industries - nhà sản xuất tế bào quang điện lớn nhất Đài Loan cũng tiết lộ rằng, dù hiện chưa có kế hoạch cụ thể để đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng tập đoàn này cũng đang “hợp tác với Vina Solar” và “sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác tại Việt Nam”, nhờ những chính sách kinh doanh và đầu tư ngày càng thân thiện tại Việt Nam, trong đó có Quyết định 11//2017/QĐ-TTg.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại Việt Nam hiện có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng xanh được đăng ký, với tổng vốn đăng ký 778 triệu USD. Trong đó, năng lượng gió có tổng vốn đăng ký là 577 triệu USD (74%), tiếp theo là năng lượng mặt trời với 137,38 triệu USD (chiếm 18%) và điện sinh khối với 59,2 triệu USD (chiếm 8%). |