Năng lượng sạch cho kiến trúc xanh

Kiến trúc xanh là xu thế chung của tương lai. Bắt nhịp với xu thế kiến trúc hiện đại này, các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam để lại nhiều dấu ấn trong năm 2015 với những công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng.

 “Xanh” vật liệu

Theo quan điểm của ngành xây dựng nói chung, tất cả vật liệu xây dựng đã qua sử dụng là… rác. Và việc xử lý rác xây dựng cũng tốn nhiều chi phí, công sức, thời gian. Đó là chưa kể đến nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài. Trong tương lai, nếu bạn chán ngôi nhà của mình, bạn có thể biến nó thành vườn rau, trồng lên đó nhiều cây cổ thụ.

Điều đó có được là nhờ sự phát triển vượt bậc của ngành vật liệu xây dựng trong thời gian qua. Ở Việt Nam, ngày càng gặp nhiều hơn các công trình xây bằng gạch không nung, bọt bê tông, vách thạch cao, kính cường lực. Những vật liệu này làm công trình “nhẹ” hơn rất nhiều và khá thân thiện với môi trường. Nhưng giờ đây, ở nhiều nước, xu hướng trở lại với vật liệu xây dựng làm từ rơm, đất, gỗ, bùn… khá phát triển. Ví dụ ở Đức, người ta đang khuyến khích nhà xây bằng các kiện rơm đóng khối, ở Anh trở lại với mái rơm truyền thống và một số nước Nam Á, xu hướng xây nhà bằng những bao đất xếp đang lên ngôi.

Ngôi nhà có sử dụng năng lượng mặt trời của KTS Hoàng Thúc Hào.

Xu hướng xanh hóa ngôi nhà còn thể hiện ở việc tiết kiệm nguyên vật liệu xây dựng. Nhiều người rất ấn tượng với ngôi nhà S-House của KTS Võ Trọng Nghĩa làm bằng những vật liệu lá dừa, tre, gỗ có giá chưa đầy 100 triệu đồng cho căn hộ 4 người ở. Ngôi nhà này đã đoạt giải thưởng Năng lượng xanh toàn cầu 2015 (Ashden Award 2015).

Bí quyết thành công của ngôi nhà này là khả năng tái chế. Các khớp nối của nhà đều có thể tháo rời di chuyển linh hoạt. Ngoài ra còn phải kể đến khả năng tận dụng vật liệu là cây dừa nước rất sẵn có tại địa phương. Vật liệu xanh góp phần đáng kể vào giảm thiểu năng lượng tiêu tốn cho một công trình kiến trúc.

“Xanh” năng lượng

Năng lượng cho một ngôi nhà là vấn đề làm đau đầu nhiều KTS và chủ đầu tư, người sử dụng. Không ai muốn ngôi nhà của mình trở thành "con khủng long" tiêu thụ năng lượng. Đầu năm nay, ngôi nhà Mặt trời của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự cho ra mắt như một lời thách thức với giới KTS Việt Nam. Ngôi nhà sử dụng hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, một hệ thống pin mặt trời tạo ra nguồn điện khoảng 7 kW cung cấp đủ cho hệ thống chiếu sáng và một số thiết bị gia dụng đơn giản. Ngoài ra, hệ thống lấy sáng tự nhiên, đối lưu không khí cũng tiết kiệm năng lượng đáng kể.

Cú “hích” của ngôi nhà Mặt trời đã tạo ra một cuộc đua ngầm trong giới KTS Việt Nam. Bài toán tiết kiệm năng lượng được tính toán tỉ mỉ và yêu cầu này đã vô tình tạo ra một “nghề phụ” khá thú vị, đó là: Thiết kế ánh sáng.

Anh Nguyễn Ngọc Nam, Công ty Việt Trung Lavender Lighting, cho biết: “Công nghệ đèn huỳnh quang đẩy đèn sợi đốt vào quá khứ, và công nghệ đèn led sẽ thay thế công nghệ đèn huỳnh quang. Đèn led tuổi thọ cao hơn, an toàn hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Đó là công nghệ chiếu sáng của tương lai”. Tìm hiểu thêm một chút về nguồn thắp sáng mới này, có thể thấy rằng, một bóng đèn tuýp loại trung bình tạo ra khoảng 50 đến 55 lumen/W (đơn vị quang thông), trong khi đó đèn led có thể tạo ra 150 đến 200 lumen/W.

Ở Mỹ người ta đã tính toán nếu thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn led sẽ giảm được 41 nhà máy điện, giảm một lượng khí thải CO2 cực lớn. Đó là những lợi ích rõ ràng của đèn led. Và kiến trúc xanh cần phải áp dụng công nghệ này.

Đồng hành cùng kiến trúc xanh

Trong nhiều cuộc hội thảo về kiến trúc xanh và năng lượng xanh được tổ chức trong năm, các kỹ sư cũng như KTS thường nhắc đến sự ủng hộ của cộng đồng về công nghệ mới. Các chuyên gia đưa nhiều dẫn chứng rất cụ thể cho thấy việc sử dụng thiết bị mới là tiết kiệm trong mục tiêu dài hạn. Đơn cử như tòa nhà H.I.T.C thu hồi vốn sau 5 năm sử dụng các thiết bị quản lý năng lượng và họ sẽ “lãi” trong 15 năm tới. Đó là với những cao ốc, còn rất nhiều ví dụ về các công trình dân sinh giảm được tối đa chi phí năng lượng thắp sáng, sưởi ấm, làm mát.

Song cái khó của công nghệ mới là đầu tư ban đầu tương đối lớn. Đèn led có giá trung bình cao gấp đôi so với đèn huỳnh quang, đèn compact (như của Lavender Lighting có giá 41.000 đồng, trong khi đèn compact giá khoảng 20.000 đồng). Thực tế thì cộng đồng vẫn ủng hộ công nghệ mới, nhưng chi phí đó khiến nhiều chủ đầu tư khó tiếp cận, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ví dụ, trong 5 năm (2010-2014), Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chương trình tiết kiệm điện (chủ yếu là thay bóng đèn tiết kiệm điện), riêng các tỉnh, thành phố phía Nam đã tiết kiệm được 3 tỷ kWh (tương đương với 3.000 tỷ đồng). Sự hỗ trợ đó giúp kiến trúc xanh thật sự xanh, và cũng đúng với tinh thần cam kết giảm lượng khí thải nhà kính của Việt Nam với quốc tế.

Nói chung, sự lên ngôi của kiến trúc xanh trong năm 2015 đem lại cái nhìn lạc quan cho nhiều người. Trong đó việc sử dụng những loại vật liệu có thể tái chế, thiết bị tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa về nhiều mặt. Kiến trúc xanh đã thể hiện trách nhiệm của chúng ta trước những vấn đề toàn cầu.


  • 13/12/2015 08:57
  • Nguồn bài,ảnh:qdnd.vn
  • 3635


Gửi nhận xét