Điện mặt trời hiện đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, với những cơ chế khuyến khích đã ban hành về đầu tư xây dựng các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, tình hình đã có nhiều khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm để đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió, hiện tổng quy mô các dự án đề xuất đã vượt mục tiêu đặt ra.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Song song với quá trình công nghiệp hóa là xu hướng chuyển dịch dân cư sang khu vực thành thị, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội bền vững, Việt Nam đang ưu tiên khuyến khích các nguồn điện năng lượng tái tạo để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo mục tiêu của Chính phủ Việt Nam (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), điện mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, dự kiến năm 2020 sẽ tăng lên 850 MW, tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của cả nước. Con số này dự kiến sẽ là 12.000 MW vào năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của cả nước.
Tại hội thảo, những kinh nghiệm ứng dụng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo thành công được đại diện Công ty ABB chia sẻ, theo đó ABB đã tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Công nghệ kết nối và tích hợp năng lượng mặt trời vào lưới điện, hệ thống dự trữ năng lượng, các giải pháp điều khiển và tự động hóa tại nhà máy điện mặt trời…
Cũng tại hội thảo, những chuyên gia về năng lượng cũng đã đưa ra những thách thức cho việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo này, đặc biệt, việc tích hợp sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu các nguồn năng lượng tái tạo công suất vừa và lớn đấu nối với hệ thống điện qua hệ thống lưới điện cao áp từ 110 kV trở lên.