Ngành thép cần đầu tư chiều sâu về công nghệ nhằm giảm tiêu hao năng lượng, tăng tính hiệu quả trong sản xuất. Ảnh minh họa
|
Theo thống kê của Viện Năng lượng, Việt Nam hiện có khoảng 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế, nhưng lượng điện tiêu thụ hàng năm đã lên gần 3,5 tỷ kWh.
Lượng than, dầu, điện ngành thép tiêu thụ chiếm khoảng 6% tổng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, do công nghệ lạc hậu nên thời gian luyện 1 mẻ thép cũng cao gần gấp đôi so với trung bình trên thế giới. Theo báo cáo năm 2010 của Tổng công ty Thép Việt Nam, để luyện được 1 mẻ thép, các doanh nghiệp mất khoảng 90-180 phút (trung bình thế giới là 45-70 phút), tiêu hao điện từ 550-690 kWh/tấn (trung bình thế giới là 360-430 kWh/tấn).
Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, bằng việc sử dụng công nghệ sấy và cán thép liên tục, Nhà máy thép Pomina chỉ cần sử dụng 450-500 kWh/tấn thép. Công nghệ này đã giúp Nhà máy Pomina tận dụng được khí thải ở nhiệt độ 300-400°C trong lò để sấy phế liệu trước khi đưa vào luyện. Nhờ đó, giảm tiêu hao điện cho quá trình luyện thép tới 30%, chi phí sản xuất cũng giảm hơn 10 USD/tấn. Quá trình sản xuất thép từ phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện đã giúp giảm 30% chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm. Đây là công nghệ mà ngành thép cần nghiên cứu và mở rộng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc sử dụng gang lỏng trong phối liệu, loại bỏ tất cả các lò điện có dung lượng nhỏ hơn 10 tấn, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị và chuẩn bị nguyên liệu… cũng góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu khoảng gần 20%.