Nghị Viện châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận khí hậu

Ngày 04/10/2016, Nghị Viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Thỏa thuận Paris về hạn chế Biến đổi khí hậu với 610 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Quyết định rất được trông đợi của châu Âu mở đường cho việc Thỏa thuận Paris có hiệu lực ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 22 tại Maroc, khai mạc ngày 07/11 tới đây.

Theo quy định, Thỏa thuận Paris - nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 oC so với thời tiền công nghiệp - sẽ có hiệu lực sau khi được sự phê chuẩn của ít nhất 55 quốc gia (điều kiện thứ nhất) chịu trách nhiệm ít nhất 55% lượng khí thải (điều kiện thứ hai). Cho đến nay, mới chỉ có điều kiện thứ nhất được thỏa mãn, với việc 62 quốc gia - với 51,89% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – chính thức phê chuẩn Thỏa thuận (theo số liệu của UNFCCC – Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu).

Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Shulz phê chuẩn thỏa thuận Paris COP21, với sự chứng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ( thứ hai phải sang) - Ảnh: Nguồn Internet.

Sau thủ tục tại Nghị Viện, việc phê chuẩn sẽ được Hội đồng châu Âu thông qua, để Liên Hiệp châu Âu – cùng với 7 quốc gia thành viên đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn ở cấp quốc gia – kịp đệ trình quyết định phê chuẩn chính thức lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 07/10/2016.

7 quốc gia thành viên châu Âu đã phê chuẩn COP 21 là các nước Hungary, Pháp, Slovakia, Áo, Malta, Đức và Bồ Đào Nha. Các nước này chịu trách nhiệm khoảng 5% lượng khí thải toàn cầu.

Khác với 195 thành viên còn lại, các quốc gia châu Âu tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu với tư cách là một khối. Phê chuẩn ở cấp quốc gia châu Âu chỉ có hiệu lực, một khi cam kết chung của toàn khối được thông qua.

Sau khi được thông qua tại COP 21 Paris tháng 12/2015, Thỏa thuận về hạn chế Biến đổi khí hậu đã được 175 nước ký kết hồi tháng 4/2016, tại New York. Tuy nhiên, giai đoạn phê chuẩn kéo dài khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực ngay trong năm nay, như dự kiến.

Lo ngại phần nào được giải tỏa với việc Mỹ và Trung Quốc (hai quốc gia chịu trách nhiệm gần 40% lượng khí thải toàn cầu, Mỹ 17,89% và Trung Quốc 20,09%) cùng phê chuẩn hồi đầu tháng 9. Ngày 02/10, đến lượt Ấn Độ - quốc gia phát thải đứng hàng thứ ba (4%). Bây giờ đến lượt châu Âu, và tiếp theo châu Âu là Canada với 1,8% khí thải cũng cam kết sớm phê chuẩn.


  • 05/10/2016 08:36
  • Ngọc Tuấn (tổng hợp)
  • 2367