Người Nhật dạy con nhỏ tiết kiệm thế nào?

Ở Nhật, tiết kiệm được coi là mỹ đức. Giáo dục trẻ tiết kiệm được coi là một nội dung giáo dục giảng dạy đạo đức quan trọng bậc nhất giúp trau dồi phẩm chất và hình thành nhân cách lành mạnh ở trẻ.

Tuy vậy, dù là "giáo dục đạo đức", người Nhật vẫn có những phương pháp rất tự nhiên, nhẹ nhàng để hình thành cho trẻ thói quen và suy nghĩ tiết kiệm.

Từ một đất nước đói nghèo, thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, đi lên phát triển từ những đổ nát của chiến tranh và những bất trắc của thiên tai, ngay cả khi đã giàu mạnh thì với người Nhật, thái độ sống khiêm nhường, phẩm cách tiết kiệm vẫn được coi là mỹ đức quan trọng bậc nhất tại đây. Sống ở Nhật bạn rất khó tìm thấy ai đó phô trương của cải. Ngay cả các bậc đại phú giàu có trong xã hội cũng rất ẩn mình khiêm nhường, và thói quen lãng phí, khoe khoang được coi là thói hành xử thiếu giáo dục.

Tại các cơ quan, trường học, tiết kiệm được coi là mục tiêu quan trọng trong các hoạt động học tập và công việc và là bài học đạo đức được giảng dạy suốt các cấp học phù hợp với mỗi giai đoạn nhận thức của trẻ.

Trẻ em Nhật Bản học cách tiết kiệm thông qua hành động hàng ngày như rửa tay, tắt điện - Ảnh: Nguồn Internet.

Tại gia đình, việc xây dựng cho trẻ các bài học tiết kiệm dựa trên các từ khóa "vừa đủ", "lãng phí", "tiết kiệm" chính là cách để cha mẹ giúp trẻ có thói quen và nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng vật chất.

Hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng

Bài học tiết kiệm cơ bản, đơn giản nhất mà người Nhật có thể áp dụng với mọi em bé đó là hướng dẫn bé tiết kiệm năng lượng khi không dùng tới.

- Làm quen với những việc đơn giản hàng ngày: Vặn vòi nước ngay khi không sử dụng, tắt điện khi không dùng tới, mở điều hòa chỉ thật khi cần thiết.

- Hướng dẫn trẻ tận hưởng ánh sáng mặt trời và gió mát tự nhiên mỗi khi có thể thay vì sử dụng điện quạt.

- Luôn hướng dẫn trẻ mang bình nước theo mình để không lãng phí tiền bạc vào việc mua nước đóng chai.

Giáo dục trẻ tiết kiệm năng lượng không chỉ đơn thuần là nói với trẻ về việc con số trên tờ hóa đơn điện nước của gia đình bạn sẽ giảm được bao nhiêu, mà thông qua việc này, cha mẹ có thể dạy con các vấn đề về môi trường, về việc lãng phí năng lượng có thể gây nên các hiện tượng khan hiếm nhiên liệu, góp phần vào việc nóng lên của trái đất...

Cùng các bài học dạy trẻ về tình yêu thiên nhiên cuộc sống, một thái độ trân quý và bảo vệ các nguồn lực tự nhiên là rất quan trọng với trẻ. Để từ đó, trẻ cảm nhận được rằng một cây bút chì, một tờ giấy trắng... cũng là thứ cần tiết kiệm và sử dụng hợp lý.

Trên hết, chính là thái độ của người Nhật trong việc coi trọng giáo dục tiết kiệm cho trẻ, vì nhìn sâu rộng hơn, tiết kiệm chính là cách giúp trẻ học trau dồi tâm trí, trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì trẻ đang có, từ đó có cảm giác biết ơn với gia đình, xã hội.

Học tiết kiệm cũng giúp trẻ hình thành một nhân cách lành mạnh thông qua việc có kỷ luật và thái độ nghiêm túc với các vấn đề tài chính, nuôi dưỡng cho trẻ một tầm nhìn tương lai và tính cách độc lập, tự chủ. Xa hơn nữa, việc giáo dục về tiền bạc tạo cho trẻ ước muốn được lao động và kiến tạo vật chất một cách lương thiện, lành mạnh.

 


  • 02/03/2017 09:08
  • Ngọc Tuấn (tổng hợp)
  • 3990