Người lao động chịu ảnh hưởng gì trong việc tăng tỷ lệ năng lượng sạch

Đó là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác, đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) phối hợp tổ chức, ngày 18/9 tại Hà Nội.

Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác, đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng” thu hút được nhiều chuyên gia năng lượng tham dự - Ảnh: Ng.Tuấn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Duy Tiến - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường VUSTA cho biết, việc phát triển các dạng năng lượng sạch và giảm thiểu các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là một xu hướng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo công việc cho người lao động và những cộng đồng có liên quan để chuyển dịch đó diễn ra công bằng, không gây ra những bất ổn xã hội hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Khái niệm “Chuyển dịch năng lượng công bằng” không còn xa lạ ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng vẫn là vấn đề tương đối mới ở châu Á. Chuyển dịch năng lượng công bằng không chỉ đề cập đến tác động môi trường, mà còn bao gồm cả các thay đổi về kinh tế xã hội, cần thiết nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng trên phạm vi toàn cầu.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của GreenID đã công bố nghiên cứu về số lượng và chất lượng việc làm khi chuyển dịch năng lượng diễn ra và cách thức đạt được sự chuyển dịch công bằng trong ngành năng lượng ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Hoàng Nguyên, đại diện Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, thành viên nhóm nghiên cứu Chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam cho biết, trong ngắn hạn và trung hạn (đến năm 2025), số việc làm từ xây lắp và duy trì bảo dưỡng của kịch bản sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện là thấp hơn so với kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, sau giai đoạn này thì số việc làm sẽ tăng lên đáng kể.

Cơ cấu việc làm sẽ chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện nay mức lương của người lao động trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời không cao hơn mức lương tại các nhà máy nhiệt điện. Do đó chưa thể thu hút được lao động học các kỹ năng cần thiết để làm việc.

Chia sẻ những nguyên tắc cũng như các bài học kinh nghiệm cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở các nước đang phát triển, chuyên gia đến từ Viện Friedrich Ebert Stiftung Việt Nam – Manuela Mattheb cho biết, có 8 nguyên tắc chuyển dịch năng lượng công bằng, trong đó, nhấn mạnh đến quá trình chuyển dịch tạo ra công việc tốt trong phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phản ánh các cam kết hỗ trợ những người đang mất việc làm và phấn đấu để giảm thiểu rủi ro khí hậu của nhóm người dễ bị tổn thương, đồng thời góp phần đảm bảo bình đẳng giới... Chuyển dịch năng lượng công bằng nên được giải quyết theo cách tiếp cận song song bằng cách lồng ghép thông qua các chính sách ngành và bằng cách phát triển các chương trình chuyển dịch công bằng khác biệt.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia năng lượng trong khu vực và quốc tế đã phân tích về thực trạng của quá trình chuyển dịch công bằng ở châu Á và các khu vực khác trên thế giới, đồng thời chia sẻ kết quả của một nghiên cứu chung giữa Tổ chức Bánh mì cho thế giới (BfdW) và Viện Friedrich Ebert Stiftung về chuyển dịch công bằng ở khu vực nam bán cầu.  

Theo nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do GreenID thực hiện chỉ ra rằng, nếu xem xét chi phí ngoại biên và ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thì tỷ trọng năng lượng tái tạo vào năm 2030 tăng lên khoảng 30%. Trong đó, điện mặt trời là 16.750 MW; điện gió là 8.140 MW và điện sinh khối là 1.950 MW.

 


  • 18/09/2018 04:16
  • Ngọc Tuấn
  • 1536