Theo Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 14/1/2013. Các sản phẩm thuộc nhóm thiết bị gia dụng gồm: Thiết bị chiếu sáng (bóng đèn huỳnh quang, đèn compact, balast điện tử và điện từ); quạt điện; điều hòa; tủ lạnh; nồi cơm điện; máy giặt lồng đứng; máy thu hình bắt buộc phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1/7/2013.
Dễ dàng chọn lựa
Không mất quá nhiều thời gian, anh Hoàng Mạnh Dũng, sống tại phố Thanh Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) đã chọn 1 máy điều hòa nhiệt độ được dán nhãn năng lượng so sánh, có công suất 12.000 BTU tại một siêu thị điện máy trên phố Tràng Thi (Hà Nội). Anh Dũng chia sẻ: “Việc chọn lựa những sản phẩm tiết kiệm năng lượng giờ đây thật dễ dàng, vì các sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng và đã được kiểm định theo đúng tiêu chuẩn. Trước kia, người tiêu dùng thường chỉ biết nghe theo quảng cáo, hoàn toàn không có cách nào nhận biết có đúng là sản phẩm tiết kiệm năng lượng hay không”.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm tại các siêu thị điện máy giờ đều chọn mua sản phấm có dán nhãn năng lượng .
|
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những sản phẩm có dán nhãn năng lượng. |
Ông Trần Thạch Quang – Giám đốc Marketing, Công ty CP Quạt Việt Nam cho biết: “Người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm giờ chỉ cần nhìn vào nhãn năng lượng được dán trên sản phẩm là có thể mua được những sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, nhãn năng lượng còn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng”.
Phân biệt nhãn năng lượng
Hiện có hai loại nhãn năng lượng được dán trên sản phẩm, gồm “Nhãn năng lượng xác nhận” và “Nhãn năng lượng so sánh”.
Theo Bộ Công Thương, “Nhãn năng lượng xác nhận” là nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.
“Nhãn năng lượng so sánh” cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn. Mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng tương ứng số sao in trên nhãn, từ 1-5 sao. Nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất.
|
Nhãn năng lượng so sánh và nhãn năng lượng xác nhận được dán trên các sản phẩm. |
Ngoài ra, “Nhãn năng lượng so sánh” phái có các thông tin tối thiểu sau: Mã chứng nhận; tên/mã sản phẩm; hãng sản xuất; nhà nhập khẩu; phần thể hiện chỉ số đánh giá mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) như lượng năng lượng tiêu thụ trong một giờ vận hành của các sản phẩm cùng chủng loại nhưng do các nhà sản xuất khác nhau chế tạo được chia thành 5 khoảng mức tương ứng với số sao trên nhãn (từ 1 sao đến 5 sao).
Mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) do Bộ Công Thương xác định qua việc đánh giá kết quả thử nghiệm chỉ tiêu hiệu suất năng lượng của sản phẩm và được thể hiện trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm, ở đây trị số tiêu thụ năng lượng được tính bằng kWh/năm. Cùng với đó là các thông tin khác, được quy định chi tiết trong Quyết định cấp Giấy chứng nhận phù hợp với từng loại sản phẩm cụ thể.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Tiết kiệm Năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương: 6 tháng đầu năm đã có hơn 1.200 mã sản phẩm thuộc 10 nhóm sản phẩm được dán nhãn năng lượng. Khoảng 280 chủng loại máy điều hòa nhiệt độ, 90% nhóm thiết bị đèn chiếu sáng, 285 chủng loại sản phẩm nồi cơm điện, quạt điện…
|