Đánh giá về kết quả xây dựng nguồn điện, dự thảo Quy hoạch điện VIII cho hay, trong khi tổng các nguồn điện chỉ đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020, trong đó các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% thì các nguồn NLTT lại vượt mức tới 205%.
Tính đến hết 2020, hệ thống điện của Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69GW, trong đó nhiệt điện than khoảng 30%, thuỷ điện chiếm 30%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu khoảng 13%. Số còn lại là NLTT 26% và nhập khẩu. Trong số 26% của NLTT thì điện mặt trời chiếm 24%, điện gió 1%, điện sinh khối 1%.
Nhiều dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh - Ảnh: Thành Trung. |
Về điện mặt trời, nếu như cuối 2019 mới chỉ khoảng 4,7GW thì 1 năm sau đã tăng lên tới 16,7GW. Nhưng đáng chú ý, nếu tính cả dự án đã vận hành, hoặc được bổ sung vào quy hoạch thì tỷ trọng năng lượng tái tạo đến tháng 1/2021 lên tới 180GW. Con số này đã vượt xa con số dự kiến 121GW trong cơ cấu nguồn năm 2045.
Dự thảo cho rằng việc phát triển các nguồn NLTT cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo hiệu quả chung của hệ thống điện (do nguồn NLTT có giá thành còn cao); đồng thời, cần đánh giá cả các vấn đề môi trường của các dự án; đánh giá việc sử dụng đất của dự án, các vấn đề về thu gom, xử lý chất thải như các tấm pin mặt trời, ắc quy…
Bản báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại trong phát triển NLTT như rào cản về cơ chế bù giá, rào cản về kỹ thuật...
Cùng với đó, trong thời gian qua, tiến độ xây dựng một số công trình lưới điện để đảm bảo giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch tại những tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời như Ninh Thuận, Bình Thuận… còn chậm.