Nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Hội thảo nằm trong chuỗi “Kế hoạch hành động toàn cầu hướng tới nền kinh tế ít carbon” của Nhật Bản triển khai để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia và là yếu tố không thể thiếu của tất cả các ngành kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Mức độ tiêu thụ năng lượng luôn có xu hướng tăng lên, nhất là tại các nước đang phát triển. Điều này đã tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu và suy giảm nguồn tài nguyên năng lượng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội và người dân. Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của Việt Nam trong 20 năm qua luôn tăng trưởng ở mức độ cao trên dưới 10%/năm. Tới cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam đã xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm: “Với cơ chế giá hấp dẫn, hiện nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào dự án điện gió và mặt trời của Việt Nam. Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đề xuất phát triển điện gió và điện mặt trời”.
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng sạch cũng có những hạn chế nhất định như không ổn định, khả năng giải tỏa công suất thấp vì không phải chỗ nào cũng xây dựng được, việc chỉ tập trung nhiều dự án ở một số địa điểm sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành hệ thống điện. Mặt khác, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng làm tăng chi phí hệ thống và tăng giá điện đến người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp để phát triển một cách hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, ông Daisuke Okabe - Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Hoạt động giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cùng Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp Bộ trưởng, cùng với biên bản ghi nhớ về hoạt động của tổ công tác lần thứ nhất được ký vào tháng 11/2017 và tiếp theo là tháng 3/2018 hai bên đã có hoạt động đối thoại chính sách, triển khai hợp tác và hội thảo về công nghệ năng lượng sạch lần này là thành quả của quá trình hợp tác trên. Tôi mong muốn sau sự kiện này nhiều chương trình hợp tác nhằm giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ được triển khai”.
Các chuyên gia và diễn giả của Nhật Bản đã tập trung trao đổi và thảo luận các nội dung về tổng quan ngành năng lượng và các chính sách biến đổi khí hậu; công nghệ thông minh trong ngành năng lượng tái tạo; công nghệ thông minh về sử dụng năng lượng hiệu quả như: Chia sẻ về hiện trạng và quan điểm về quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trong khu vực ASEAN; hiện trạng và chính sách năng lượng tái tạo ở Việt Nam; các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam…
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như các biện pháp và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.