Hàng không là một trong những ngành công nghiệp "ngốn" xăng nhất hiện nay. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, các nhà khoa học Mỹ đã sản xuất thành công nhiên liệu máy bay từ loại nấm mốc đen, thường mọc lên từ những lá cây mục, đất và hoa quả hỏng. Điều này mở ra cánh cửa giúp giảm thiểu tối đa chi phí nhiên liệu cũng như nâng cao năng suất chất lượng cho ngành hàng không.
|
Nhiên liệu sinh học từ nấm mốc đen giúp nâng cao năng suất chất lượng và tiết kiệm chi phí cho ngành hàng không. |
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Fungal Biology, các nhà khoa học sử dụng nấm Aspergillus carbonarius ITEM 5010 để sản xuất hydrocarbon, thành phần chủ yếu của dầu mỏ cũng như nhiên liệu hàng không. Loại nấm này tạo ra nhiều hydrocarbon nhất khi mọc trên bột yến mạch, rơm, hoa quả hỏng hay các phụ phẩm không ăn được từ hoạt động chế biến ngô.
Nhóm của giáo sư Birgitte Ahring, thuộc Đại học bang Washington, cho rằng nấm sản sinh chất hydrocarbon như cơ chế chống lại sự tấn công của vi khuẩn. Do đó, họ đang tìm cách thúc đẩy nấm sản sinh tối đa hydrocarbon, tăng cường chuỗi phản ứng hóa sinh thông qua kỹ thuật biến đổi cấu trúc vật liệu di truyền.
Sau khi thu được dạng đột biến với mức độ hydrocarbon cao hơn, nhóm chuyên gia sẽ thúc đẩy quy trình bằng cách sử dụng gene mã hóa hydrocarbon đặc biệt, do các vi khuẩn xanh và tảo tạo ra. Phát hiện này được kỳ vọng sẽ mở đường cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học hàng không giá rẻ trong 5 năm tới.
Được biết, ý tưởng sử dụng nhiên liệu sinh học cho máy bay đã được giới khoa học Mỹ chú ý từ lâu. Không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trước đó, không quân Mỹ cũng từng tiến hành bay thử nghiệm với Boeing C-17 Globemaster III bằng nhiên liệu được pha trộn từ JP – Jet Propelled (JP-8) với nhiên liệu sinh học tại căn cứ không quân Edwards ở California.
Đây là lần đầu tiên Không quân Mỹ sử dụng nhiên liệu sinh học cho các chuyến bay và được xem là nỗ lực khởi đầu để thay thế nhiên liệu JP-8 bằng các loại nhiên liệu khác. Trong quá trình thử nghiệm, máy bay C-17 đã bay trên tất cả bốn động cơ với nhiên liệu JP-8 được pha trộn theo tỷ lệ 50:25/25. Nhiên liệu đó bao gồm: 50% JP-8, 25% nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ chất béo động vật, 25% nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch.
Các cuộc bay thử nghiệm với 50% nhiên liệu sinh học mà Không quân Mỹ tiến hành được xem là một trong những cố gắng nhằm thay thế nhiên liệu cũ bằng loại nhiên liệu thân thiện môi trường. Dự kiến việc sử dụng thực tế bắt đầu từ năm 2016. Như vậy, trong thời gian ngắn sắp tới, nhiên liệu sinh học sẽ được các hãng hàng không sử dụng rộng rãi, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất chất lượng từng chuyến bay.