Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tấn Thành
|
Hoạt động trong ngành nghề chế biến thủy sản, nhất là sản phẩm đông lạnh xuất khẩu, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tấn Thành bình quân hằng tháng phải trả trên 500 triệu tiền điện. Hai khâu tiêu tốn điện nhiều nhất là cấp đông và bảo quản sản phẩm trước khi xuất hàng. Để tiết kiệm điện, công ty đã tính toán nhiều giải pháp như nhập hàng, xuất hàng dựa trên thời tiết mát mẻ để khi vận hành hệ thống lạnh nhanh nhất. Các hệ thống lạnh vận hành sẽ được thực hiện vào những giờ thấp điểm.
Bên cạnh đó, Công ty có riêng một tổ vận hành máy, thường xuyên kiểm tra công suất và biểu đồ phụ tải, hạn chế tối đa việc huy động thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn. Đối với hệ thống lạnh, công ty thường xuyên kiểm tra bộ phận trao đổi nhiệt, vệ sinh thường xuyên từ 3 tháng, 6 tháng để tăng năng suất trao đổi nhiệt, tiết kiệm được năng lượng; thường xuyên theo dõi các thông số vận hành. Đồng thời, bố trí thời gian cấp đông, trữ đông hợp lý, hạn chế việc đóng mở cửa kho để giảm bớt tổn thất nhiệt. Không những vậy, hàng tháng, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tấn Thành còn theo dõi lượng điện tiêu thụ trong một tháng trên đơn vị sản phẩm, từ đó có những phân tích cụ thể để có những giải pháp phù hợp.
Ông Đoàn Thái Nguyên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tấn Thành thông tin: “Công ty vừa đầu tư thêm một hệ thống cấp đông hiện đại giá 7 tỷ đồng. Công nghệ mới rút ngắn thời gian cấp đông cho sản phẩm, tự động ngắt khi đã đủ lạnh, giúp giảm thiểu được tiền điện đáng kể. Nhiều giải pháp được công ty chúng tôi nghiên cứu thực hiện để giảm chi phí và giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Công ty CP May Đông Thành thì có cách tiết kiệm điện khác và được áp dụng hàng chục năm nay. Công ty đầu tư một hệ thống làm mát bằng quạt hút hơi nước để hạ nhiệt độ trong nhà xưởng mà không dùng máy lạnh hay quạt thổi công nghiệp. Thời tiết rất nóng nhưng trong nhà mát mẻ, đảm bảo sức khỏe cho công nhân khi làm việc.
Ông Võ Đình Lâm – Phó Giám đốc Công ty CP May Đông Thành cũng cho biết: “Nếu dùng máy lạnh trong nhà xưởng để đảm bảo duy trì nhiệt độ mát mẻ cho sản xuất thì chi phí điện rất cao. Hệ thống làm mát này vừa hiệu quả, vừa tốn ít chi phí hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đầu tư các máy thiết bị chuyên dùng, thiết bị điện tử để làm sao tiết giảm tối đa chi phí điện hàng ngày”.
Hệ thống quạt hút hơi nước trong nhà xưởng Công ty CP May Đông Thành
|
Ngoài ra, giải pháp chung nhất của các doanh nghiệp nhằm tiết kiệm điện hiện nay là xây dựng quy chế, quy định về sử dụng điện chặt chẽ. Có những đơn vị xây dựng hẳn quy trình, định mức tiêu thụ điện năng cho từng công đoạn sản xuất. Công ty Điện lực Quảng Ngãi vừa song song đầu tư các công trình điện để đảm đủ điện cho sản xuất, vừa tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm.
Mục tiêu của ngành Điện Quảng Ngãi trong năm 2020 là tiết kiệm khoảng 35 triệu kWh. Theo thống kê, trong 07 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã tiết kiệm 21,42 triệu kWh điện, bằng 2,4% sản lượng điện thương phẩm, tương đương 37,45 tỷ đồng. Ông Huỳnh Trọng Nguyễn – Trưởng phòng Kinh doanh PC Quảng Ngãi cho biết: “PC Quảng Ngãi thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để tính toán biểu đồ sử dụng điện hợp lý nhất, trong đó mục tiêu vẫn là hạn chế sử dụng các thiết bị vào các giờ cao điểm, đồng thời kêu gọi, khuyến khích khách hàng sử dụng vào những giờ thấp điểm để cân bằng được biểu đồ phụ tải. Mục tiêu tiến tới là điện vẫn đảm bảo sản xuất và khách hàng cũng hài lòng với ngành Điện trong đảm bảo cung cấp điện”.
Muốn triển khai tiết kiệm điện hiệu quả cần có sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo cán bộ, công nhân doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động thì hiệu quả vẫn chưa cao, mỗi doanh nghiệp cần có những chế tài cụ thể, gắn trách nhiệm với quyền lợi của từng bộ phận, từng cá nhân trong việc thực hiện chủ trương trên.