Năng lượng tái tạo là xu thế
Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng từ thiên nhiên như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Theo thống kê, có khoảng 16% lượng điện tiêu thụ trên toàn cầu từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có 10% năng lượng truyền thống, 3,4% từ thủy điện.
Về khả năng sử dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam trong những năm tới, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương nhận định: “Thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững, cần tập trung vào các nội dung chính: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện”.
Theo đó, Việt Nam phải tiếp tục ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng loại hình công nghệ như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Bên cạnh đó, phải tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS…).
Do sự biến đổi của khí hậu, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo 100% để giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường, tạo sự thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho con người.
Các "ông lớn" công nghệ và mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo
Ngày 19/7 vừa qua, LG Electronics vừa đưa ra tuyên bố dự kiến đạt mức trung hòa carbon vào năm 2030 và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo hoàn toàn vào năm 2050. Tuyên bố này nhận được sự đồng tình của nhiều tổ chức trên thế giới.
Bước đầu, LG sẽ thực hiện chuyển đổi từ các công ty con trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần và các văn phòng ở Mỹ. Những đơn vị này sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo 100% từ cuối năm nay. Hầu hết các nhà máy ở nước ngoài của LG (Hàn Quốc) sẽ chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2025.
LG Electronics đặt mục tiêu đạt được tỉ lệ chuyển đổi 60% tại các cơ sở kinh doanh tại quê nhà vào năm 2030 và 90% vào năm 2040. Trong quá trình từ nay đến năm 2040, LG vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục để sớm chuyển đổi năng lượng trong thời gian gần nhất.
Hiện nay, nhà máy của LG Electronics ở Noida, Ấn Độ đã cung cấp 100% năng lượng sử dụng máy phát điện năng lượng mặt trời 3,2 MW. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất đồ điện tử chủ chốt của LG Group đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2030. Mục tiêu này được LG đưa ra vào tháng 5 năm 2019, trong khi lượng khí thải carbon ở các cơ sở sản xuất toàn cầu đang đạt mức 2 triệu tấn được ghi nhận năm 2017.
Vào tháng trước, LG Electronics đã nhận Giải thưởng Lãnh đạo năm 2021 của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ cho trụ sở chính ở Bắc Mỹ tại Englewood Cliffs, New Jersey. Dự án trị giá 300 triệu USD được đánh giá là công trình vì hạnh phúc của người lao động do tiết kiệm năng lượng và nước, bảo tồn không gian mở và hệ sinh thái.
Năm 2018, LG tại Tây Ban Nha đã khởi công dự án LG Smart Green để đóng góp vào nỗ lực tái trồng rừng của nước này. Dự án vẫn đang được tiến hành với công nghệ năng lượng mặt trời tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu của các công ty công nghệ cao tại địa phương.
Mới đây, Samsung cũng lên kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại 2 trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới là Việt Nam và Hàn Quốc. Trước đó, vào năm 2018, Samsung đã cam kết chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đến nay họ đã đạt được thành công. Tuy nhiên, đó chỉ là các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ của Samsung trên thế giới, chỉ chiếm 20% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu của tập đoàn này.
Hai quốc gia sản xuất hàng đầu của Samsung là Việt Nam và Hàn Quốc thì vẫn đang trên còn đường thực hiện chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này khiến cho Samsung nằm trong danh sách các tập đoàn không đạt chỉ tiêu trong việc cam kết sử dụng năng lượng tái tạo.
Tại Việt Nam, Samsung đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ các dự án điện tái tạo, được Bộ Công Thương rất hoan nghênh. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, việc sử dụng năng lượng tái tạo có phần nhanh hơn khi đã lắp đặt thành công hệ thống pin quang điện tại 3 nhà máy và đang lên kế hoạch tiếp tục lắp đặt tại 2 nhà máy khác.
Tập đoàn Samsung cho biết đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo ở những khu vực có đủ điều kiện cần thiết và đang được cải thiện không ngừng tại mỗi quốc gia.
Giống như LG và Samsung, Apple cũng tự tin khẳng định sử dụng 100% năng lượng sạch cho các cửa hàng bán lẻ Apple Store, văn phòng, trung tâm dữ liệu và nhiều cơ sở khác của mình trên toàn thế giới.
Theo đó, Apple sử hữu 25 dự án năng lượng tái tạo trên toàn thế giới với tổng công suất lên đến 626 MW, 15 dự án khác đang tiếp tục xây dựng và dự kiến sẽ bổ sung thêm 1,4 GW năng lượng tái tạo sạch tại 11 quốc gia.
Từ năm 2014, 100% các trung tâm dữ liệu của Apple đã sử dụng năng lượng tái tạo. Đến năm 2016, 96% các cơ sở trên toàn cầu của Apple đã sử dụng năng lượng tái tạo. Kể từ đó, các dự án năng lượng sạch của tập đoàn này đã giúp giảm thiểu 54% lượng khí thải nhà kính với khoảng 2,1 triệu tấn CO2 (thông tin cập nhật từ 2018).
Không chỉ các đại gia ngành công nghệ, Nestlé mới đây cũng lên tiếng cam kết sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Để làm được điều đó, Nestle cũng sẽ làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường khả năng cung cấp năng lượng nhiệt tái tạo được tạo ra từ các nguồn chẳng hạn như khí sinh học và sinh khối vào năm 2030. Nhiều dự án tiết kiệm năng lượng đã được lên kế hoạch cho các địa điểm trên khắp thế giới từ hệ thống chiếu sáng bằng đèn sử dụng công nghệ đi-ốt phát quang (LED) để tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trong thời gian không sản xuất và thu hồi nhiệt năng.
Ngoài ra, Nestlé sẽ tiếp tục loại bỏ các chất làm lạnh công nghiệp có nguy cơ cao trong việc làm trái đất nóng lên (GWP) như hydrofluorocarbon và thay thế bằng các chất làm lạnh mới có GWP tự nhiên bằng không hoặc thấp như amoniac, CO2 và hydrocarbon.
Link gốc