Cô Lê Thị Minh, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM cho biết, trước đây cô thường cắm nồi cơm điện từ sáng để trưa đi làm về có cơm ăn ngay. "Bây giờ tôi chỉ nấu cơm trước bữa ăn khoảng 30 phút, vừa tiết kiệm được điện, cơm cũng chín tới vừa ăn ngon", cô Minh chia sẻ.
Ngoài ra cô Minh còn thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, dọn dẹp lớp đông tuyết, cài chế độ lạnh vừa phải, không bỏ đồ ăn còn nóng vào tủ, sắp xếp hợp lý gọn gàng các ngăn để tủ lạnh hoạt động ổn định mà không tăng lượng điện năng tiêu thụ.
Nhiều gia đình lựa chọn sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện - Ảnh: H.Trang
|
Còn ông Phan Thanhh Tú, từ khi có được cuốn cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình đã lập tức áp dụng. "Thật ra tiết kiệm điện không khó, nó bắt đầu từ những điều mà nhiều người tưởng như nhỏ nhặt", ông Tú nói. Đơn giản nhất là việc tắt đèn hay các thiết bị điện khác khi không sử dụng. Nhiều người có thói quen vẫn để sáng đèn, quạt chạy "vù vù", tivi phát thoải mái, máy tính hoạt động liên tục ngay cả khi đi ra ngoài hay không ở trong phòng, gây lãng phí lớn.
Mặc dù công suất tiêu thụ của các bóng đèn trong nhà không lớn, nhưng do dùng nhiều bóng trong thời gian dài nên chi phí tiền điện cũng đáng kể. Vì vậy có thể thay các bóng đèn dây tóc bằng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8. "Giá của đèn compact, huỳnh quang cao hơn so với đèn dây tóc. Bù lại công suất tiêu thụ điện thấp hơn, cho độ sáng cao và dịu hơn, tuổi thọ bóng hơn hẳn", ông Tú nhận xét.
Sau một thời gian thực hiện quy chế tiết kiệm điện triệt để, ông Tú rút ra lời khuyên: Nếu gia đình có điều kiện thì nên mua các loại điều hòa có chế độ tiết kiệm năng lượng, cài đặt nhiệt độ hợp lý, ban ngày 24 - 25 độ C, ban đêm khoảng 25 - 27 độ C, làm kín cửa để bảo toàn nhiệt độ, hạn chế mở cửa ra vào nhiều lần. "Nếu dùng tủ lạnh nên lựa dung tích phù hợp với nhân khẩu trong nhà, ví dụ gia đình 4 người chọn loại 102-180 lít là vừa phải. Cũng nên chọn máy giặt có công suất phù hợp với lượng quần áo giặt giũ trong nhà", ông Tú nói.
Nhiều gia đình còn luân phiên một đêm nằm quạt, một đêm ngủ máy lạnh để tiết kiệm điện. Hay thay vì mỗi người "ôm" một chiếc tivi, cả nhà quây quần cùng xem tivi với nhau, vừa nối tình thân, vừa giảm tiền điện. Tất nhiên phải có người "điều tiết" nếu không muốn "cuộc chiến" tranh giành kênh truyền hình xảy ra khi áp dụng hình thức này.
Phong trào trồng cây xanh quanh nhà cũng giúp không khí trong nhà mát mẻ, giảm dùng quạt, máy lạnh. Chỉ vào những chậu rau xanh tốt khắp ban công, chị Thanh Uyên hồ hởi nói: "Dàn rau xanh này không chỉ làm mát cả phòng tôi mà còn là nơi thư giãn lý tưởng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Bữa ăn gia đình cũng tươm tất hơn, không lo mua phải rau bị thuốc trừ sâu ngoài chợ". Chị Uyên cũng tận dụng ánh sáng thiên nhiên, mở cửa sổ, thu vén rèm để đón khí trời.
Một "chiêu" khác để tiết kiệm điện là dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Anh Vũ Quốc Tuấn, nhân viên văn phòng tại TP HCM, nhận xét ưu điểm lớn nhất của dòng máy này được thể hiện ngay trong tên gọi, đó là không tốn điện.
"Nhiều người lầm tưởng máy năng lượng mặt trời chỉ cung cấp được nước nóng khi trời nắng vào ban ngày. Thực tế loại máy này có bồn dự trữ và cung cấp đủ nước nóng vào ban đêm, thậm chí đến sáng hôm sau vẫn có nước nóng", anh Tuấn nhận xét. Tại TP HCM, nhiệt độ nước sẽ nóng đủ tắm quanh năm. Hay ở Đà Lạt, các tỉnh miền Trung và phía Bắc, có thể sử dụng trong khoảng hơn 300 ngày. Số ngày còn lại thì người tiêu dùng có thể lựa chọn phương án nấu nước nóng bằng điện, gas, củi hay… tắm nước lạnh.
Anh Trương Quang Hà, kỹ sư một công ty xây dựng ở Hà Nội cũng chia sẻ: Máy nước nóng năng lượng mặt trời đang được nhiều nhà phố đưa vào sử dụng. Thông thường, hệ thống dung tích 240 lít dùng được cho nhà 7người, loại 200 lít dùng cho 6, loại 180 lít cho 4 người... Vì thế, khi xây dựng một số công trình, anh thường tư vấn cho gia chủ nên lắp đặt loại máy này như một hình thức tiết giảm chi phí.