Nhìn trực tiếp thì đèn nào cũng hại
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Ưu điểm của đèn Led thì không phải bàn. Đèn Led tiết kiệm trên 70% năng lượng khi nó thay thế các loại đèn truyền thống cũ như đèn cao áp thủy ngân... và có thể tiết kiệm được 50% năng lượng nếu thay thế các công nghệ tiên tiến hơn như đèn huỳnh quang compact (CFL). Tuổi thọ của đèn được xác định có thể đạt tới 100.000 giờ.
|
Nên dùng đèn Led đúng cách để phát huy hiệu quả của đèn. |
Tuy nhiên, Đại học Complutense (Tây Ban Nha) đã từng công bố một nghiên cứu cho rằng, ánh sáng của các đèn Led bắt nguồn từ dải màu xanh lam và tím, vốn có năng lượng cao và sóng ngắn của quang phổ nhìn thấy được. Việc tiếp xúc liên tục và kéo dài với dạng ánh sáng này có thể đủ để gây hại cho võng mạc của mắt người, được cấu tạo gồm các tế bào nhạy cảm ánh sáng, chịu trách nhiệm phát hiện ánh sáng và cho phép con người nhìn thấy xung quanh.
Nhưng TS Nguyễn Phan Kiên cho rằng, ánh sáng tạo ra từ đèn chỉ để giúp người nhìn thấy rõ các vật xung quanh chứ không phải để con người nhìn trực tiếp vào đèn. Nếu nhìn trực tiếp vào bóng đèn thì dù đèn nào cũng gây hại cho mắt, không loại trừ Led. Chẳng hạn, với đèn huỳnh quang, đèn compact hay đèn sợi đốt, nếu nhìn thẳng vào nguồn ánh sáng phát ra từ đèn sẽ bị chói lóa, nhức mắt, thậm chí mờ mắt; tương tự khi chúng ta nhìn trực tiếp vào các đèn Led trên các biển quảng cáo một lát cũng sẽ thấy rất mỏi mắt.
Không phải cứ Led là tốt
Hiện nay, công nghệ đèn Led được thế giới ưa chuộng bởi độ bền cao và ít tiêu tốn năng lượng nên nhiều người ưa chuộng sử dụng đèn Led là điều nên khuyến khích.
Tuy nhiên, theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, khi chọn loại đèn Led cũng cần căn cứ mục đích sử dụng để dùng đúng loại, đúng công năng. Ví dụ, khi chọn đèn bàn học bóng Led cần chú ý tiêu chuẩn các loại đèn bàn học này thường phải có chỉ số hoàn màu (chỉ số CRI – là chỉ số so sánh độ trung thực về màu sắc của không gian và vật thể được chiếu sáng dưới ánh sáng của bóng đèn so với ánh sáng tự nhiên của mặt trời) càng cao càng tốt, thường phải trên 80 trở lên mới không hại mắt trẻ.
Các loại đèn Led trôi nổi trên thị trường thường có độ hoàn màu thấp, không chuẩn xác sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị giác, vì vậy, khi chọn mua sản phẩm cần đặc biệt chú ý yếu tố này. Ngoài ra, hiện thị trường còn có các loại đèn Led được điều khiển bằng phương pháp điều chế độ rộng xung để điều chỉnh năng lượng, loại bóng Led này cũng không thích hợp làm đèn bàn học vì khiến mắt nhức mỏi khi nhìn lâu, tập trung.
Đừng bạ đâu mua đấy
Các chuyên gia cho biết, có một thực tế hiện nay là sản phẩm Led bày bán khá tràn lan ngoài thị trường, thật giả rất lẫn lộn. Đối với những loại đèn Led không có nguồn gốc xuất xứ, hầu hết không đạt tiêu chuẩn, như bộ nguồn điện không đảm bảo, độ rọi kém, độ hoàn màu thấp, nhiệt độ màu không phù hợp với mắt người. Trong khi đó, hầu hết người dân đi mua lại không có kiến thức mà chỉ mua theo cảm tính. Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người mua đèn Led về dùng một thời gian đã thấy hỏng.
Điều đáng nói, việc đánh giá chất lượng một sản phẩm đèn Led có đảm bảo hay không lại không hề đơn giản, mà cần có chuyên môn cùng trang thiết bị chuyên dụng để đánh giá ở rất nhiều thông số như độ an toàn điện, nhiệt độ màu, độ hoàn màu, chất lượng bộ nguồn, độ rọi, độ kín (IP), nhiệt độ làm việc, tuổi thọ...
Vì thế, tốt nhất, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người dân có thể dựa vào một vài lưu ý sau: Thứ nhất có thể kiểm tra bằng mắt thường như nhìn trực tiếp vào đèn Led trong khoảng 5 giây, người nhìn sẽ bị chói nhưng không có cảm giác nhức mắt thì đó là bóng Led tốt. Thứ hai, nhiệt ở đế đèn không phát nhiều khi bật đèn. Vì vậy, khi bật bóng một lúc mà sờ vào đế thấy nóng thì thường không phải là loại Led tốt. Một tiêu chí khác để chọn bóng Led tốt là bóng có chỉ số hoàn màu cao, đạt khoảng 85 trở lên (xem trên vỏ sản phẩm, ký hiệu CRI), khi nhìn vào ánh sáng có cảm giác ấm, có chói nhưng không nhức mắt.