Với điều hòa nhiệt độ
Theo các chuyên gia, trong mùa nắng nóng, nhu cầu dùng điều hòa nhiệt độ rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen ra khỏi phòng, dù chỉ trong chốc lát, là lập tức tắt máy điều hòa để tiết kiệm điện. Hoặc có trường hợp bật điều hòa thường để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát thì tắt điều hòa và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì bật trở lại. Hành động này không tiết kiệm điện mà còn làm tốn điện thêm. Bởi, bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy phải khởi động nhiều lần, điện năng tiêu thụ cho việc làm lạnh lại căn phòng từ đầu còn nhiều hơn.
Thứ hai, nhiều người có thói quen đặt nhiệt độ thấp (khoảng 16-20 độ C) với mong muốn phòng mát nhanh hay cảm giác thoải mái trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, đây là cách làm sai, vừa không tốt cho sức khỏe vừa cực kỳ tốn điện.
Vì khi bạn đặt nhiệt độ quá thấp, điều hòa sẽ phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ ở mức đã định. Các chuyên gia khuyên chỉ nên đặt nhiệt độ trong khoảng 25-27 độ C, như vậy vừa đảm bảo sự thoải mái trong sinh hoạt, vừa đỡ tốn điện.
Thứ ba, nhiều gia đình có thói quen mở máy điều hòa suốt cả ngày vì muốn phòng luôn mát. Tuy nhiên, cách này không chỉ gây lãng phí điện mà còn gây hại đến sức khỏe. Vào mùa hè, nếu không quá nóng, bạn có thể tắt điều hòa vào ban đêm. Bởi khi ngủ, cơ thể bạn có thể chịu được nhiệt độ cao hơn khi thức. Vào mùa đông, bạn nên bật điều hòa ấm vào ban đêm - thời điểm lạnh nhất trong ngày. Điều này vừa giúp làm không gian phòng thông thoáng hơn vừa giúp tiết kiệm điện năng đáng kể.
Với tủ lạnh
Nhiều người thường không dám chứa đầy thức ăn vào tủ lạnh vì sợ càng đầy thì càng hao điện. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm. Những khoảng trống trong tủ lạnh sẽ khiến tủ lạnh phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ thấp.
Ngược lại, để tủ lạnh quá đầy, chật chội sẽ ngăn sự lưu thông khí lạnh, dẫn đến làm lạnh kém hiệu quả, tốn điện. Bạn cũng nên sử dụng loại tủ tiết kiệm năng lượng và mua theo nhu cầu sử dụng của gia đình, đừng nên mua quá lớn mà không sử dụng hết.
Thứ hai, nhiều người có thói quen đặt thức ăn nóng vào tủ lạnh. Việc này sẽ khiến hơi nóng tỏa ra, làm ấm không khí bên trong. Khi đó máy nén của tủ lạnh phải làm việc nhiều hơn để làm mát không khí, gây lãng phí điện năng. Vì vậy, bạn nên làm nguội thức ăn trước đi đặt chúng vào tủ lạnh là cách hiệu quả để tiết kiệm điện năng cho tủ.
Ngoài ra, đóng ngắt nguồn tủ lạnh nhiều lần cũng tiêu tốn nhiều điện năng bởi mỗi lần khởi động sẽ tốn một lượng điện lớn. Trong trường hợp tủ lạnh lâu ngày không dùng thì mới ngắt nguồn điện.
Không rút phích cắm, cục sạc khi không dùng
Với các thiết bị sạc pin, nhiều người thường cắm cục sạc pin các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại sẵn tại ổ để tiện sạc, không bao giờ rút cục sạc ra vì nghĩ chúng chỉ là thiết bị điện rất nhỏ, cắm luôn vào ổ 24/24 như vậy chẳng tốn là bao. Thực tế, một cục sạc khi được cắm vào ổ điện vẫn tiêu tốn điện năng cho dù không có thiết bị nào được kết nối. Vì vậy, hãy tháo các cục sạc nếu không dùng đến.
Thứ hai, hãy rút phích cắm các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng như ti vi, máy quạt... bởi khi không sử dụng nhưng vẫn để nguyên phích cắm thì tình trạng tiêu tốn điện năng vẫn xảy ra.
Để tiết kiệm điện, nên tắt máy tính nếu như không có ý định dùng trong vòng 15 phút trở lên. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được một lượng lớn đáng kể điện năng tiêu thụ trong thời gian không có nhu cầu sử dụng máy. Nếu chỉ cần sử dụng âm thanh từ máy tính (nghe nhạc, học tiếng Anh) hãy tắt màn hình.
Khi dùng laptop, dùng năng lượng từ pin của máy sẽ tiết kiệm điện năng hơn là dùng điện trực tiếp.
Link gốc