Những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện kiểm toán năng lượng

Kiểm toán năng lượng (KTNL) là hoạt động khảo sát, thu thập và phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng của đối tượng cần KTNLnhư: doanh nghiệp, tòa nhà, quy trình sản xuất… Đây là bước đầu tiên cần tiến hành trong quá trình thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL) vì chỉ có KTNL mới có thể nhận dạng đầy đủ các cơ hội TKNL trong doanh nghiệp.

Kiểm toán năng lượng là bước đầu tiên cần tiến hành trước khi thực hiện TKNL tại các doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Không phải là kiểm toán tài chính

Ông Phạm Huy Phong – Phó GĐ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh (ECC HCMC) cho biết, KTNL không phải là kiểm toán tài chính, KTNL chỉ tập trung vào khía cạnh tiêu thụ năng lượng của nhà máy, doanh nghiệp. Tương tự như đi khám sức khỏe tổng quát, khi có được kết quả các xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho toa thuốc, hiện trạng và các vấn đề trong việc sử dụng năng lượng sẽ được nhận dạng thông qua báo cáo KTNL và cũng từ đó doanh nghiệp sẽ biết được những giải pháp cần thực hiện để giải bài toán tiết kiệm năng lượng cho đơn vị mình.

Để có một báo cáo KTNL thực sự mang lại lợi ích, kiểm toán viên phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm để nhìn thấy được toàn cảnh sử dụng năng lượng của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp cải tạo, thay thế hợp lý. Bên cạnh đó, thiết bị đo kiểm đạt chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên một báo cáo KTNL theo yêu cầu. Tuy nhiên, thực hiện kiểm toán năng lượng mới chỉ là bước “khám bệnh”, muốn “điều trị” bệnh lãng phí năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn thì doanh nghiệp phải thực hiện theo kết quả báo cáo KTNL và sự tư vấn của kiểm toán viên. Vì thế, cần rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp để biến các giải pháp TKNL thành lợi nhuận cho chính bản thân doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phạm Huy Phong, các giải pháp TKNL đề xuất cho từng doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thiết kế kiến trúc của tòa nhà, cách bố trí thiết bị, dây chuyền, công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng, phương thức quản lý và vận hành… Vì KTNL là hoạt động nhằm mục tiêu tìm kiếm các cơ hội để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp chứ không phải kiểm toán để tìm ra các lỗi trong việc vận hành và tiêu thụ năng lượng của các công đoạn nên để thực hiện TKNL tại một đơn vị bất kỳ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ phận của đơn vị đó.

Những cấp độ trong KTNL

Trong KTNL thường có 2 cấp độ, đó là Kiểm toán năng lượng sơ bộ và kiểm toán năng lượng chi tiết. Trong đó, KTNL sơ bộ là hoạt động khảo sát thoáng qua quá trình sử dụng năng lượng của hệ thống giúp nhận diện và đánh giá các cơ hội và tiềm năng tiết kiệm năng lượng của thiết bị tiêu thụ năng lượng chính trong hệ thống đó. Hoạt động này có thể phát hiện ra ít nhất 70% các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong toàn hệ thống.

Còn KTNL chi tiết giúp phát hiện các tiềm năng tiết kiệm năng lượng chi tiết hơn nhờ vào việc thu thập và phân tích các số liệu trong quá khứ và hiện tại, xác định cơ hội và phân tích tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật nếu thực hiện các giải pháp cải tạo và thay thế công nghệ. Kết quả kiểm toán chi tiết sẽ liệt kê ra được danh mục các hệ thống, thiết bị, các bộ phận hoặc các khâu sản xuất có tiềm năng TKNL. Và để tận dụng hết những tiềm năng đó, báo cáo KTNL chi tiết sẽ để xuất những giải pháp cụ thể từ mức kinh phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn cho đến hiệu quả tiết kiệm được… cho từng giải pháp.

Tùy theo mục đích, kinh phí cho phép mà các doanh nghiệp, tòa nhà có thể quyết định thực hiện kiểm toán sơ bộ hoặc kiểm toán chi tiết. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dù Luật cho phép các doanh nghiệp tự thực hiện kiểm toán hoặc thuê đơn vị tư vấn bên ngoài nhưng các doanh nghiệp cần xem xét nghiêm túc hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn trước khi thực hiện KTNL. Vì nếu kiểm toán viên không đủ năng lực, kết quả báo cáo KTNL cũng sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn cho doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí năng lượng. 

Những lưu ý khi thực hiện kiểm toán năng lượng:

- Cung cấp dữ liệu, thông tin chính xác.

- Số liệu ghi nhận thường xuyên, số liệu quá khứ là những công cụ tốt nhất đối với KTNL.

- Đảm bảo sự hợp tác của doanh nghiệp với đơn vị kiểm toán.

- Yêu cầu bên cung cấp dịch vụ có kế hoạch làm việc chi tiết.

- Khi kiểm toán năng lượng nội bộ thì cần theo nguyên tắc kiểm tra chéo để đảm bảo khách quan.

- Luôn nhớ rằng mục tiêu của KTNL là để cải tiến, không phải để “vạch lá tìm sâu”, nên cần phải tránh những tranh cãi không đáng có.

- Mọi cuộc KTNL phải được lập kế hoạch một các chi tiết, nhưng mềm dẻo, tùy theo điều kiện phát sinh tại chỗ.


  • 27/06/2012 04:52
  • Ngọc Tuấn
  • 3051


Gửi nhận xét