Dự án mô hình thử nghiệm WbW do Chính phủ Vương quốc Bỉ viện trợ 700.000 EUR không hoàn lại, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022.
Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu thử nghiệm giải pháp cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân tại các vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bằng hệ thống khử mặn nước sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I là lắp đặt và vận hành thí điểm hệ thống khử mặn, để đánh giá và hiệu chỉnh kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng/số lượng nước được sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản xuất và sinh hoạt của Việt Nam, đảm bảo tối ưu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Giai đoạn II tập trung tìm kiếm đối tác trong nước, lên kế hoạch nội địa hóa hệ thống khử mặn để giảm chi phí đầu tư, hướng đến việc nhân rộng hệ thống khử mặn tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.
Hiện nay, dự án triển khai tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành giai đoạn I, khánh thành vào ngày 15/3 và được vận hành thử nghiệm đến hết năm 2022. Công suất trong giai đoạn thử nghiệm của mô hình là sản xuất được 20m3 nước ngọt/ngày.
Tham dự lễ khánh thành dự án WbW, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Do đó, Bộ NN&PTNT đánh giá cao dự án WbW do Chính phủ Bỉ viện trợ không hoàn lại được thực hiện tại Ninh Thuận, vùng đất của khô hạn và nắng gió nhằm đưa ra giải pháp cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại các vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sau khi kiểm tra hệ thống lọc nước tại xã An Hải, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao hiệu quả của việc chuyển hóa nước có độ mặn từ 45 - 50‰ thành nước ngọt, có thể sử dụng cho sinh hoạt.
Điểm nổi bật của mô hình này là: khả năng tiếp cận và di chuyển dễ dàng đến các ranh mặn khác nhau theo từng mùa để cung cấp nước ngọt cho người dân trong trường hợp khẩn cấp; vận hành và bảo dưỡng đơn giản, với chi phí thấp; vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo, đồng thời có thể đóng góp điện cho mạng lưới điện tại địa phương, Thứ trưởng nói.
Qua đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị chủ dự án phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ và các đối tác phía Bỉ tổng kết các kinh nghiệm, kết quả của dự án để phổ biến nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành NN&PTNT theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tại lễ khánh thành, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen chia sẻ, sự kiện hôm nay đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong hợp tác giữa 2 quốc gia theo thỏa thuận hợp tác chiến lược của ngành nông nghiệp được ký kết năm 2018.
Theo ông Paul Jansen, xâm nhập mặn hiện là vấn đề lớn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ. Bỉ đang hợp tác với Việt Nam trên nhiều dự án để giải quyết các khó khăn liên quan vấn đề này. Dự án "Nước từ gió" là độc nhất và nguyên bản.
Với giai đoạn I được khánh thành tại Ninh Thuận sẽ là sự khởi đầu đáng nhớ đối với sự phát triển của hệ thống các dự án khử mặn khác tại Việt Nam trong thời gian tới với tổng vốn đầu tư vào khoảng 12 triệu USD.
Đại sứ Jansen cũng hy vọng, sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bỉ và Việt Nam sẽ mở ra nhiều dự án, đưa ra được nhiều giải pháp cho nền sản xuất cũng như giúp nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu một cách hiệu quả hơn.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền khẳng định, bên cạnh các công trình đối phó biến đổi khí hậu như thủy lợi Tân Mỹ, cống ngăn mặn hạ lưu sông Dinh thì dự án WbW sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.
Link gốc