Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng bền vững như điện mặt trời, điện gió... Ảnh: Ng.Tuấn.
|
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị cho phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Theo ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh cho rằng, để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng.
Theo mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh, điện thương phẩm năm 2020 khoảng 235 - 245 tỷ kWh, năm 2030 khoảng 506 - 559 tỷ kWh, với mức độ tăng trưởng cao, ngoài việc phát triển nhiệt điện than thì cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Đại diện của Nhóm Năng lượng tái tạo Việt Nam cho biết, Việt Nam rất phù hợp để phát triển năng lượng mặt trời, đặc biệt từ miền Trung trở vào phía Nam, những nơi này có bức xạ cao và trung bình phù hợp cho phát triển điện mặt trời.
Theo tiềm năng kỹ thuật ước tính thì Việt Nam có thể phát triển tới 20GW điện mặt trời, nếu khai thác tốt nguồn điện này, chúng ta có thể giảm bớt nhu cầu điện than (phía Nam).
Việt Nam cũng cần đào tạo thêm nhiều nhân lực sẵn có để phát triển cả công nghệ và dịch vụ cho điện mặt trời, đại diện của Nhóm Năng lượng tái tạo Việt Nam cho biết thêm.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, phát triển năng lượng bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu. Vì thế cần phải ban hành quy định bắt buộc các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao và ít phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường.