Chuyển động của những giọt mưa cũng có thể tạo ra điện - Ảnh: Nguồn Internet. |
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí ACS Nano đã mô tả chi tiết công nghệ được gọi là máy phát điện ma sát nano, hay TENG (triboelectric nanogenerator). TENG có thể tạo ra điện từ ma sát của hai vật liệu khi cọ xát với nhau, như ma sát của lốp xe với mặt đường, hay chuyển động lăn tròn của những hạt mưa trên tấm pin năng lượng mặt trời.
Thách thức ở đây là tạo ra một hệ thống không quá phức tạp, cồng kềnh và đủ tiêu chuẩn để gắn trên mái nhà. Để thực hiện việc này, các nhà nghiên cứu đã phủ 2 lớp polymer trong suốt khác nhau lên bề mặt tấm pin mặt trời. Sử dụng phương pháp tương tự như in đĩa DVD tiêu chuẩn, các nhà nghiên cứu đã thêm vào các đường rãnh trên một tấm polymer để cải thiện khả năng thu năng lượng.
Trong cuộc thử nghiệm, lớp polyme đã hoạt động như một điện cực chung cho cả TENG và lớp pin năng lượng mặt trời phía dưới, tạo ra năng lượng khi nước mưa đập vào và kết nối các lớp với nhau. Vì lớp phủ polymer trong suốt cho nên ánh sáng mặt trời vẫn có thể được hấp thụ, mặc dù thấp hơn đôi chút so với khi không có lớp phủ.
Đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Trước đó, năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Đại Dương cũng của Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời ngay cả khi trời đang mưa, bằng cách phủ bên ngoài các tấm pin một lớp Graphene mỏng.