Thế mạnh phong điện của Scotland
Scotland là 1 trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 80% tổng nhu cầu sử dụng điện năng.
Nhằm góp phần hiện thực hóa giấc mớ ấy, cuối năm 2015, Chính phủ Scotland đã thông qua dự án xây dựng nhà máy phong điện nổi ngoài khơi Hywind Scotland Pilot Park (Hywind) với quy mô thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Dự án sẽ chính thức được khởi công vào cuối năm 2017 với tổng mức đầu tư lên tới 232 triệu USD.
Nhà máy điện nổi ngoài khơi của Scotland đủ cung cấp điện cho khoảng 20.000 hộ gia đình
|
“Trang trại” gió nổi trên mặt biển của Scotland sẽ được xây dựng trên một khuôn viên rộng 4 km2, cách bờ biển vịnh Peterhead 25 km. Tốc độ gió trung bình của khu vực thuộc Biển Bắc này là 10m/s. Công ty Năng lượng Statoil của Na Uy là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ phát triển hệ thống bao gồm 5 turbine 6 MW. Công suất phát điện của nhà máy này là 135 GWh mỗi năm, đủ cung cấp điện sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ gia đình. Các turbine của Nhà máy điện gió Hywind sẽ được nối với đáy biển bằng một hệ thống neo buộc gồm 3 điểm chốt ở độ sâu 95-120 m.
Bộ trưởng Tài chính Scotland John Swinney cho biết: “Xét về yếu tố sáng kiến công nghệ và tạo ra điện năng, Hywind là một dự án vô cùng tiềm năng. Đó còn là sự ghi nhận đối với đội ngũ chuyên gia và lực lượng lao động trong ngành năng lượng tại Scotland, khi Statoil quyết định chọn quốc gia này để xây dựng trạm năng lượng gió nổi trên biển lớn nhất thế giới”.
“Phong điện trên biển là nguồn năng lượng tái tạo giàu tiềm năng, quan trọng và có tính cạnh tranh cao. Mục tiêu của Công ty Statoil khi xây dựng Nhà máy Điện gió Hywind là chứng minh giải pháp năng lượng gió trên mặt biển rất thiết thực và có giá trị kinh tế cao”, Phó chủ tịch Điều hành Statoil Irene Rummelhoff cho biết trong một tuyên bố.
Theo bà Rummelhoff, với Dự án Hywind, Statoil muốn chứng minh tính hiệu quả của mô hình phát điện này, từ đó nhân rộng phát triển mô hình trên thị trường toàn cầu.
Chính phủ “hết mình” vì phong điện
Chính phủ Scotland mới đây thông báo sẽ hợp tác với 9 công ty phát triển điện gió trên biển lớn nhất châu Âu. Động thái này được xem là bước đi nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả của các “trang trại” gió ngoài khơi. Theo tính toán, sự hợp tác quy mô lớn này sẽ mang lại khoản đầu tư lên đến 7,9 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 9,8 triệu USD) vào công nghệ điện gió ngoài khơi, cũng như giúp sáng tỏ những nghi ngờ về khả năng đầu tư vào năng lượng tái tạo của Anh sau sự kiện Brexit (British exit).
Chính phủ Scotland còn quyết định cấp 2,1 triệu USD cho một chương trình nghiên cứu, thúc đẩy năng lượng tái tạo, mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện gió ngoài khơi. Các chiến lược được giới chức Scotland chú trọng đầu tư như phát triển lắp đặt các trạm điện gió nổi ngoài khơi và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình “Offshore Wind Accelerator” (Điện gió ngoài khơi) do Tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu nước Anh Carbon Trust khởi xướng, các “đại gia năng lượng” ngoài khơi như DONG Energy, EnBW, E.ON, Iberdrola, RWE, SSE, Statkraft, Statoil và Vattenfall đã cam kết cùng hành động để đến năm 2020, mỗi đơn vị megawatt giờ (MWh) điện gió ngoài khơi sẽ có giá thành thấp hơn 100 bảng Anh (khoảng 124USD), thậm chí chỉ ở mức 85-95 bảng Anh.
Người đứng đầu Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Năng lượng Scotland Paul Wheelhouse cho biết, “Điện gió ngoài khơi” là một chương trình hợp tác do Carbon Trust phát động, hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất điện gió trên biển thông qua việc đổi mới và ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất.
Trước đó, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Scotland dành cho chương trình này đã giúp các công ty có thêm động lực để cho ra đời nhiều ý tưởng mới. Bởi vậy, Bộ trưởng Wheelhouse hoàn toàn có cơ sở khi tin tưởng rằng, nguồn tài trợ mới sẽ giúp các công ty tiếp tục theo đuổi giấc mơ về một nguồn năng lượng sạch với chi phí thấp.
Scotland mới đây đã chính thức vượt qua mục tiêu đề ra đến năm 2020 về việc cắt giảm 42% khí thải nhà kính và ngành năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đổi mới để góp phần cắt giảm lượng khí thải nhà kính”, ông Wheelhouse nhấn mạnh.
Thực tế, Dự án “Điện gió ngoài khơi” đã được khởi động từ năm 2009. Cho tới nay, chương trình vẫn duy trì được sự hợp tác giữa các nhà phát triển điện gió hàng đầu của lục địa “già”. Ngoài ra, do tạo ra được sự tương tác giữa khu vực công và khu vực tư để cùng đương đầu với thách thức trong việc cắt giảm chi phí, chương trình bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định.
Mới đây, dự án xây dựng “trang trại” gió ngoài khơi mang tên Beatrice cũng đã góp phần tạo thêm 350 việc làm mới cho người lao động. Điều này một lần nữa khẳng định những lợi ích tuyệt vời mà ngành phong điện mang lại cho Scotland.
Tương lai ở phía trước
Với công nghệ ngày một hiện đại, khoảng 3 năm trở lại đây, giá thành xây dựng các trạm điện gió trên biển đã giảm tới 2 lần. Kéo theo đó, các dự án nhà máy năng lượng gió sẽ có giá thành rẻ hơn so với chi phí để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử. Tờ The Ecologist cho biết, năng lượng gió ở vùng Biển Bắc ở châu Âu có giá rẻ hơn 1/3 so với nguồn năng lượng từ các nhà máy điện nguyên tử.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), khoản đầu tư của Scotland dành cho dầu và khí đốt đang giảm đi trông thấy, trong khi đầu tư vào năng lượng tái tạo đang ở mức cao kỷ lục. Dự đoán trong 4 năm tới, các công ty năng lượng vẫn sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 6,4 triệu bảng Anh (7,95 triệu USD) cho phát triển ngành công nghiệp điện gió trên biển. Bên cạnh đó, Chính phủ Scotland được cho là đã cam kết tài trợ thêm 1,5 triệu bảng Anh (1,86 triệu USD) với mục tiêu giảm chi phí điện gió ngoài khơi LCOE (mức giá bán điện tối thiểu để dự án thu hồi được vốn trong vòng đời của mình).
Ông Tom Delay, Giám đốc Tổ chức Carbon Trust cho hay: “5 năm trở lại đây, chi phí để sản xuất nguồn điện năng từ năng lượng gió ngoài khơi đã giảm đáng kể nhờ sự đổi mới công nghệ và sự tăng trưởng mạnh số lượng các dự án. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa bằng cách nhanh chóng tìm ra những giải pháp tối ưu nhất cho thị trường, để đến năm 2020, giá điện gió sẽ thật sự cạnh tranh”.
Hồi tháng 9, nhà máy điện sử dụng năng lượng thủy triều quy mô lớn đầu tiên trên thế giới cũng đã được khánh thành tại Scotland. Công ty Nova Innovation và nhóm vận động Renewable UK đã khởi động nhà máy điện thủy triều mang tên MayGen tại eo biển Pentland Firth, ngoại ô thành phố Inverness.
Trong giai đoạn đầu của dự án, turbine đầu tiên trong tổng số 4 tổ máy sẽ cho công suất khoảng 1,5 MW. Sau đó, Chính phủ Scotland được cho là sẽ chi thêm khoảng 30,5 triệu USD từ nguồn ngân sách quốc gia để lắp đặt bổ sung 269 turbine dưới đáy biển Ness, nâng công suất lên 398 MW, đáp ứng việc cung cấp điện sinh hoạt cho 175.000 hộ gia đình.