TP HCM: Cắt giảm năng lượng bằng đổi mới công nghệ, sử dụng khoa học, hiệu quả

Công nghệ lạc hậu là nguyên nhân chính dẫn đến cường độ tiêu thụ điện năng cao, đội giá thành sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh giá điện mới tăng giá. Vì vậy, UBND TP.HCM yêu cầu các DN nhà nước (DNNN) tiên phong xây dựng định mức cắt giảm năng lượng thông qua đổi mới công nghệ hiện đại hoặc sử dụng các nguồn năng lượng khoa học, hiệu quả. Đây là bước đi cần thiết trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng dành cho hoạt động sản xuất.

Tiết kiệm tiền tỷ

Kết thúc năm 2014, CTCP Nhựa Tân Phú cán mức doanh thu trên 660 tỷ đồng, tăng 106,2% so với năm 2013. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tân Phú, để có kết quả đó là cả quá trình nỗ lực của tập thể và định hướng chiến lược đúng đắn từ ban lãnh đạo.

Trong đó, vai trò đổi mới công nghệ, giảm thiểu hao phí nguyên liệu và năng lượng, đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, ban lãnh đạo Nhựa Tân Phú nhận thấy hệ thống máy móc sau hơn 10 năm vận hành đã có dấu hiệu lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu và tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên nếu bỏ hết để mua máy mới sẽ lãng phí.

Vì vậy, giải pháp công ty đề xuất là rà soát, thay thế những bộ phận, thiết bị gây hao phí. Thông qua đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng, đầu năm 2012, Nhựa Tân Phú thực hiện hàng chục giải pháp đổi mới quản lý và thay thế công nghệ mới, như lắp biến tần cho motor chính, bọc bảo ôn cho các điện trở nhiệt, thay bóng đèn cao áp bằng đèn compact, đầu tư công nghệ mới sử dụng động cơ servo và nhiều giải pháp khác.

Điều khiển hệ thống máy nước nóng tiết kiệm năng lượng tại khách sạn Reveside Sài Gòn.

Kết quả nhận được khả quan. Năm 2011, khi chưa triển khai thiết bị mới, với 100 đồng doanh thu công ty phải trả 4,48 đồng tiền điện. Sang năm 2012, với sự đầu tư cải thiện các giải pháp, con số chi trả giảm còn 3,93 đồng và lần lượt năm 2013 còn 3,56 đồng, năm 2014 là 2,78 đồng.

“Nếu tính cụ thể ra, trong năm 2013 chúng tôi tiết kiệm gần 3 tỷ đồng. Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn, lợi nhuận hàng năm mới đạt 17 tỷ đồng, con số tiết kiệm đó vô cùng ý nghĩa” - ông Hùng cho biết thêm.

Không phải là đơn vị sản xuất như Nhựa Tân Phú, Khách sạn Legend Saigon cũng cùng mục tiêu giúp đảm bảo hoạt động có lãi đã chọn tiết giảm hao phí sử dụng năng lượng. Bởi việc tăng giá không phải là giải pháp tối ưu trước áp lực cạnh tranh từ các khách sạn cao cấp khác. Ông Nguyễn Phước Đại, Kỹ sư trưởng Khách sạn Legend Saigon cho biết, trước đây khách sạn sử dụng hệ thống vòi sen với công nghệ cũ, tiêu hao nước và năng lượng rất lớn.

Từ năm 2012, Legend thay thế hệ thống vòi sen thế hệ cũ với lưu lượng nước tiêu tốn 10 lít/phút bằng loại vòi tắm công nghệ mới (sử dụng cơ chế hòa trộn các bọt khí nhỏ vào trong nước) giúp tiết kiệm đến 35% lượng nước sử dụng. Qua đó, khách sạn đã tiết giảm 180 lít dầu DO mỗi ngày, tương đương 4.500 lít dầu hàng tháng. Theo ông Đại như vậy riêng một giải pháp mới này, mỗi tháng khách sạn tiết kiệm gần 100 triệu đồng.

Đa dạng phương thức tiết kiệm

Theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), sau khi đánh giá khảo sát DN, việc sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực, ngành sản xuất ở Việt Nam còn rất lãng phí. Để sản xuất ra cùng 1 giá trị sản phẩm, DN trong nước cần sử dụng năng lượng cao hơn 1,5-1,7 lần so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt một số ngành xi măng, sắt thép… phát triển vượt quy hoạch, cung vượt quá cầu, trong khi các DN chủ yếu quy mô công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu dẫn đến cường độ tiêu thụ điện năng cao hơn so với các nước trên thế giới (ngành xi măng cao hơn 17% và sản xuất thép cao hơn gần 60%).

Tuy nhiên, hiện không nhiều DN nhận thức đầy đủ giữa đổi mới công nghệ và khả năng tiết kiệm chi phí sản xuất. Kết quả khảo sát của Bộ KH-CN trong năm 2014 với 100 DN ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy, chi phí đầu tư cho đổi mới công nghệ của các DN chỉ chiếm 0,2-0,3% trên tổng doanh thu.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở KH-CN TP.HCM), đổi mới công nghệ không chỉ giúp DN giảm tiêu hao nguyên - nhiên liệu, mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất, giảm tác động xấu đến môi trường và nâng cao uy tín DN. Trung tâm cũng đã phối hợp cùng nhiều DN nhựa giảm tiêu hao năng lượng 12-47%. Chương trình này bắt đầu thực hiện từ năm 2005, đến nay đã giúp một số DN tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

Ông Tước cho biết UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng xây dựng đề án tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị sử dụng điện trên toàn địa bàn. Trong 3 năm đầu, 16 đơn vị nhà nước, gồm 4 sở ngành và 12 tổng công ty, DNNN là đơn vị tiên phong cam kết thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiết kiệm năng lượng cũng hỗ trợ cho 558 DN thuộc 24 ngành nghề khác nhau, giúp tiết kiệm hơn 930.000 MWh điện/năm và hơn 5,6 triệu lít dầu/năm, giảm phát thải 600.000 tấn CO2/năm. Đặc biệt, trên 200 tòa nhà được tư vấn và triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, TP.HCM đã thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, giúp tiết kiệm được 75% điện năng so với hệ thống cũ. Dự án taxi gas cũng đã chuyển đổi thành công 350 xe taxi sử dụng xăng sang sử dụng nhiên liệu hóa lỏng (LPG) và xây dựng 5 trạm nạp LPG, giúp tiết kiệm hơn 6,3 tỷ đồng/ năm…

“Nếu thực hiện triệt để các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng, sau 3 năm triển khai chương trình, TPHCM có thể tiết kiệm được 481 triệu kWh điện và 5,6 triệu lít dầu, tương đương 807 tỷ đồng và cắt giảm 285 tấn CO2 phát thải” - ông Tước khẳng định.


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "TP HCM là nơi sử dụng năng lượng rất lớn, nếu không tiết kiệm sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tiết kiệm năng lượng thông qua đổi mới công nghệ sẽ tiết kiệm chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh của mọi DN. Thực hiện những hoạt động này sẽ hướng đến xây dựng TP xanh, văn minh - hiện đại - nghĩa tình".

 


  • 20/03/2015 08:44
  • Nguồn tin và ảnh:saigondautu.com.vn
  • 1673