Theo Sở Công Thương TP HCM thì nguồn phát sinh chất thải rắn của thành phố (TP) bao gồm 7 nguồn: Khu vực dân cư; khu vực cơ quan; khu vực thương mại; khu vực khách sạn, nhà nghỉ; khu vực công cộng; khu vực sản xuất; khu vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Năm 2014, dân số toàn TP đạt trên 8 triệu người, ước tính khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 7.592 tấn/ngày với chỉ tiêu phát sinh chất thải rắn khu vực nội thành và ngoại thành là 0,96 và 0,85 kg/người/ngày; khối lượng thu gom đạt khoảng 7.178 tấn/ngày với hệ số thu gom khu vực nội thành từ 95-100%, khu vực ngoại thành từ 80-85%.
Thành phần chất thải rắn (CTR) tại các bãi chôn lấp ở TP HCM được kiểm tra chủ yếu là chất thải thực phẩm với tỉ lệ khá cao (83 – 88,9%). Các thành phần CTR có khả năng tái chế như plastic, giấy, kim loại giảm đáng kể do hoạt động phân loại và thu gom phế liệu trong thành phố; phần còn lại ít có khả năng tái chế, chủ yếu là các chất vô cơ.
Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch quản lí chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030” bao gồm ranh giới hành chính của 11 tỉnh thành trong đó có TP HCM. Quy hoạch được lập trên cơ sở từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và quá tải phải đảm bảo giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ các cơ sở xử lí chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và hệ thống thu gom, vận chuyển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Quyết định này là cơ sở tiền đề cho việc nghiên cứu tính toán tiềm năng sản xuất điện từ nguồn chất thải rắn.
Cũng theo Sở Công Thương TP HCM, hiện nay, trên địa bàn TP HCM có một số dự án đầu tư xây dựng xử lí chất thải rắn có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện đi vào hoạt động.
Theo báo cáo “Định hướng quy hoạch xử lí chất thải rắn tại TP HCM đến năm 2020 tầm nhìn 2030”, hiện nay TP đang duy trì hai khu liên hợp xử lí chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh) với công nghệ chôn lấp vệ sinh (chủ yếu, 77-80%), sản xuất compost (2.700 tấn chất thải rắn/ngày, trong đó Vietstar 1.200 tấn/ngày, Tâm Sinh Nghĩa 1.000 tấn/ngày, Tasco 500 tấn/ngày).
Trong tương lai, TP từng bước kết hợp kêu gọi đầu tư vào các dự án nhà máy đốt chất thải rắn kết hợp phát điện và nhà máy sản xuất compost đáp ứng nhu cầu phát sinh chất thải rắn ngày càng tăng cao của TP.
Theo Sở Công Thương TP HCM, đối với nguồn tài nguyên chất thải rắn, loại chất thải có tiềm năng sản xuất điện trên địa bàn TP chủ yếu gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp. Trong những năm qua, TP có nhiều dự án đầu tư xử lí chất thải rắn kết hợp phát điện được nghiên cứu nhưng hiện chưa có dự án nào đưa vào hoạt động.
Hiện đề án “Quy hoạch phát triển điện lực TP HCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035” trong quy hoạch giai đoạn 2025 sẽ đưa vào vận hành nhà máy phát điện từ nguồn đốt chất thải rắn với tổng công suất dự kiến khoảng 30 MW và giai đoạn sau năm 2025 thêm một nhà máy vận hành với tổng công suất dự kiến khoảng 45 MW.
Việc phát triển điện từ nguồn chất thải rắn hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ quy hoạch cũng như chủ trương đầu tư của TP đối với các trung tâm xử lí chất thải rắn trên địa bàn TP.