Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng BĐKH thành phố Hồ Chí Minh, trong các chương trình thích ứng với BĐKH mà thành phố đang triển khai, đầu tiên phải nhắc đến là các chương trình quản lý nước, bởi đây là một trong những vấn đề “nóng” của thành phố.
Ngập nước trong mùa mưa, bị nhiễm mặn và sử dụng quá nhiều nước trong mùa nắng là những thách thức lớn của thành phố. Đây là hậu quả từ chuyện quản lý đô thị còn nhiều bất cập, song mặt khác cũng là hậu quả của BĐKH. Chính vì vậy, thành phố đã quyết định lồng ghép hai nội dung này và giải quyết chung trong một số giải pháp.
Ngay trong năm 2015 này, tái sử dụng nước thải sau khi đã được xử lý làm sạch là một trong những mục tiêu mà thành phố sẽ theo đuổi. Hiện nay, nước thải sau khi được xử lý thường được đổ trở lại vào hệ thống sông, kênh, rạch. Điều này là lãng phí khi mà lượng nước thải được xử lý mỗi ngày lên tới khoảng 700.000 m3.
Thay vì đổ ra sông, kênh, thành phố có thể đưa lượng nước này vào sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp… Việc này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô… Đào và xây dựng hồ điều tiết ở quận 4, Thủ Đức cũng sẽ được triển khai trong năm nay.
|
Ngành Điện đã triển khai nhiều chương trình tiết kiệm điện - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Thành phố đã triển khai nhiều chương trình nhằm tiết kiệm điện như các chương trình của ngành Điện lực, của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực còn nhiều tiềm năng trong việc tiết kiệm điện. Thay thế đèn chiếu sáng sử dụng điện năng ở các tuyến đường bằng đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời là một thí dụ.
Ở nhiều nước, chính quyền tiến hành xã hội hóa, giao cho một doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai công tác này. Lợi nhuận từ lượng điện tiết kiệm sẽ được chia cho Nhà nước và doanh nghiệp theo tỷ lệ thỏa thuận. Hiện tại, trung bình mỗi ngày thành phố sử dụng hơn 20 triệu kWh điện. Chỉ một phần trong số điện này được tiết kiệm, không chỉ có thêm nhiều người được dùng điện, mà quan trọng hơn sẽ giúp tiết kiệm năng lượng sản xuất ra điện, hạn chế khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải ra môi trường… Văn phòng BĐKH thành phố đang nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện nội dung về tiết kiệm điện nêu trên.
Trong lĩnh vực xử lý rác, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã phối hợp với các doanh nghiệp ở Việt Nam thực hiện nhiều dự án đốt rác. Trước mắt, đã có hai nhà máy đốt rác do Nhật Bản giúp đỡ xây dựng đang được triển khai với công suất đốt 2.000 tấn rác/ngày. Đốt rác không những xử lý hoàn toàn lượng rác thải, không phải tốn đất chôn lấp mà còn làm giảm được lượng khí phát thải do hoạt động chôn lấp phát ra.
Chính phủ Nhật Bản đang có cơ chế phát triển sạch (JCM). Theo cơ chế này, Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ một phần cho các dự án làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
Như vậy, ngoài rác, còn nhiều lĩnh vực mà thành phố có thể tận dụng cơ chế này để làm giảm phát thải và trong năm nay, Văn phòng BĐKH thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố chọn lựa một số dự án cụ thể.
Phát triển tòa nhà xanh với thiết kế xanh và được che phủ bởi cây xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu, an toàn, bền vững nhất trong việc giảm nhiệt cho thành phố nói chung và từng tòa nhà nói riêng. Vấn đề này không quá khó để triển khai, song rất tiếc lại chưa được quan tâm đúng mức. Chi phí và công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ tác dụng của việc phát triển mảng xanh là thách thức lớn nhất. Chỉ cần thành phố có chính sách vận động và hỗ trợ cần thiết là có thể thực hiện được.
Không khí thành phố mát mẻ, mỗi tòa nhà mát mẻ, người dân sẽ bớt phải dùng máy lạnh và các thiết bị điện đồng nghĩa với việc góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Đây cũng sẽ là một trong những nội dung mà thành phố sẽ quan tâm triển khai trong năm nay.