Là đô thị lớn nhất cả nước, TPHCM có đến hơn 4.800 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Việc sử dụng những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang ngày càng trở nên phổ biến, góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Hướng tới phát triển đô thị bền vững, thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển vật liệu xây dựng mới, hiện đại, chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật và thân thiện với môi trường.
Nhiều công trình xây dựng như: Trụ sở hành chính, trường học, chung cư, trạm y tế, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại TPHCM hiện nay đã sử dụng vật liệu xây không nung như: Gạch ống, gạch bê tông khí chưng áp, gạch block. Những loại gạch này có độ bền cao hơn gạch nung truyền thống trước đây nhờ lực ép và thành phần kết dính. Năm 2014 vừa qua, TPHCM có 179 dự án, công trình cao ốc sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang có xu hướng phát triển mạnh tại TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vì nó phù hợp với sự phát triển đô thị của những tỉnh, thành phố này.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty dịch vụ địa ốc Tecco Tây Sài Gòn cho biết: "Từ khi thiết kế cho đến khi xây dựng công trình, chúng tôi đã lựa chọn những vật liệu xây dựng mới và thân thiện với môi trường, từ gạch, khung nhôm, cửa kính, miếng ốp tường. Đặc biệt, về thiết kế thì chúng tôi chú trọng xây dựng căn phòng có không gian thông thoáng để đón được nhiều ánh sáng mặt trời. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng vật liệu xây dựng “xanh” đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều công trình xây dựng nhà của người dân tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình đã sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường như nhôm, tấm pannel cách nhiệt, tường ngăn bằng thạch cao, kính cường lực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người. Có thể thấy rằng, nhu cầu về không gian sống hài hòa với thiên nhiên của người dân TPHCM đang tăng lên rõ rệt. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, những giải pháp công trình xanh, những sản phẩm mới là xu hướng đang phát triển mạnh và được áp dụng rộng rãi vào lĩnh vực xây dựng của Việt Nam.
Nhiều công trình xây dựng nhà của người dân tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình đã sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường như nhôm, tấm pannel cách nhiệt...Ảnh minh họa
|
Bà Nguyễn Thy Vân, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm Hữu hạn Long Vân cho biết: "Bản chất của nhôm đã là sản phẩm thân thiện với môi trường và thân thiện với người tiêu dùng rồi. Nhôm không bị rỉ sét và có thể tái sử dụng được nhiều lần. Với công nghệ sản xuất của Nhất Bản, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra mỗi ngày để phân tích những ưu điểm và khuyết điểm cho mỗi sản phẩm. Người tiêu dùng trong nước hiện nay đã chú trọng tìm hiểu về công nghệ vì nhu cầu sử dụng vật liệu “xanh” ngày càng thiết thực hơn".
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng vật liệu xây dựng “xanh” tại TPHCM hiện nay là do thói quen sử dụng sắt, bê tông cốt thép của người dân theo kiểu “ăn chắc, mặc bền”. Vì vậy, nhiều người vẫn e dè khi sử dụng các sản phẩm mới. Còn đối với các doanh nghiệp, hạn chế lớn nhất của họ là về công nghệ, vốn và kinh nghiệm sản xuất nên những sản phẩm mới, thân thiện với môi trường chiếm tỷ lệ rất thấp.
Ông Lê Sơn, trưởng bộ phận kinh doanh Công ty Toàn Cầu cho biết: "Gỗ Resysta được làm từ vỏ trấu, mà vỏ trấu lúa của chúng ta thì rất trơ với nước nên sử dụng ở ngoài trời sẽ không bị cong, vênh, nứt nẻ và có độ thẩm mỹ cao. Sản phẩm này thân thiện với môi trường và hoàn toàn có thể thay thế được cho gạch, đá hay gỗ tự nhiên. Tại thị trường trong nước thì Công ty Toàn Cầu đang tiếp cận với những dự án những khu đô thị để đảm bảo được một vài những hạng mục thân thiện với môi trường như sàn hồ bơi, sàn sân vườn".
Tại TPHCM, hệ thống chiếu sáng tiêu thụ hơn 162 triệu kWh/năm, trong đó chiếu sáng công cộng chiếm khoảng 90 triệu kWh/năm, ước tính ngân sách thành phố phải chi trả hơn 130 tỷ đồng mỗi năm. Theo tính toán của ngành Điện lực, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện này bằng đèn LED công suất từ 65-200W, thành phố sẽ tiết kiệm được hơn 55 triệu kWh/năm (khoảng 88 tỷ đồng/năm). Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng này sẽ giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm.
Các tòa nhà mới xây dựng hiện nay tại TPHCM hầu hết đều sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng như đèn LED cho hoạt động chiếu sáng và trang trí. Đèn LED giúp tiết kiệm điện và thân thiện hơn so với bóng đèn truyền thống. Từ đầu năm đến nay, các công trình xây dựng cao tầng và một số tuyến đường tại quận 10, quận Phú Nhuận, Tân Bình và đường đi bộ Nguyễn Huệ tại quận 1 đã sử dụng đèn LED thay thế bóng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp trước đây.
Ông Vương Quan Trường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển, Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang cho biết: "Hiện nay, những tiêu chuẩn mới nhất của thế giới về tiết kiệm năng lượng thì Điện Quang đã cố gắng nghiên cứu, đầu tư công nghệ và đã đáp ứng được. Chúng tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Việt nên có tư duy là có thể thương hiệu ngoại họ chiếm ưu thế về mặt thương hiệu trong thời điểm bây giờ nhưng chúng ta hãy theo họ để bắt kịp họ về mặt công nghệ. Sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng cao, an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường thì người tiêu dùng sẽ có sự so sánh và họ sẽ chấp nhận sử dụng sản phẩm của chúng ta".
Để phát triển lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau để chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trong định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng đến 2020, TPHCM có những chính sách ưu đãi và cụ thể nhằm khuyến khích những danh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Sở xây dựng thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các Sở xây dựng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các doanh nghiệp sản xuất và các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật thi công, bảo quản và sử dụng vật liệu xây không nung, xử lý kịp thời những sự cố kỹ thuật trong công trình xây dựng.