Kiên Giang: Nông dân khốn đốn vì biến đổi khí hậu

Thiếu nước ngọt kèm theo tình trạng nhiễm phèn, ngập mặn trên diện rộng, ảnh hưởng lớn tới sản xuất cây trồng, khiến bà con nông dân Kiên Giang rơi vào cảnh trắng tay.

Gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết tại tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung diễn biến khá phức tạp. Mặc dù đã bước vào mùa mưa nhưng tình trạng thiếu nước ngọt đã xảy ra ngay tại trung tâm TP. Rạch Giá vào giữa tháng 7. Kéo theo đó là tình trạng nhiễm phèn, ngập mặn trên diện rộng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất cây trồng, nhất là cây lúa. Điều này đã đẩy bà con nông dân rơi vào cảnh trắng tay.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, tại nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đồng loạt gieo sạ vụ hè thu. Tuy nhiên, do thời tiết thất thường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất cây trồng, trong đó, nặng nề nhất là ở huyện Châu Thành và U Minh Thượng. Đợt hạn hán kết hợp cùng việc ảnh hưởng do cơn bão số 1 hồi cuối tháng 6 vừa qua làm thiệt hại nghiêm trọng diện tích lúa của bà con.

Ruộng nhiễm phèn xơ xác

Một trong những người dân bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, ông Ngô Văn Di, ngụ ở xã An Bình, huyện Châu Thành, dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng đỏ quạch màu phèn, ông Di xót xa: “Lúc tôi sạ được 3, 4 ngày thì nước ngập lên bị phèn, dù đã mất cả trăm lít dầu để bơm nước ra nhưng vẫn không cứu được lúa, thất thoát khoảng 70%. Thường mọi năm mình kiếm được khoảng 20 đến 30 triệu đồng nhưng năm nay chắc được mấy triệu. Cuộc sống của mình khi lúa thất thì cũng vất vả, mình phải làm mướn kiếm thêm để sống”.

Đối với bà Lê Thị Út Em, ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng thì còn cay đắng hơn khi toàn bộ diện tích hơn 4 hecta trồng lúa vụ này của bà đều bị nhiễm mặn và ngập úng. Bà Út Em cho biết, gia đình đã mua hơn hai triệu tiền dầu để bơm nước phèn cứu lúa. Tuy nhiên, năm nay nước nhiễm phèn nặng quá lại thêm ngập mặn từ bên ngoài khiến tình hình càng bi đát hơn. Hiện cuộc sống gia đình rất khó khăn vì ngoài trồng lúa, bà không sản xuất gì khác.

Trong nỗi nghẹn ngào, bà Lê Thị Út Em cho biết: “Năm nay mưa nhiều nắng dài, làm lúa ngắn hạn này không được tốt vì bị phèn, rồi nhiễm mặn nữa, dân chúng thất bát nhiều lắm. Tui ở đây lúa mất mùa rồi, không có nghề nghiệp gì chỉ có hai mảnh ruộng này thôi vì có chút vốn thì đổ vào vụ lúa này nhưng giờ lúa hư thì chờ tiếp vụ sau. Chứ giờ biết làm gì, ở đây đâu có ai mướn, của ai nấy làm. Đành phải nhờ nhà nước cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ.”.

Theo UBND xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tính tới thời điểm này toàn xã đã gieo sạ gần 1.400 hecta vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, đến nay số diện tích lúa bị thiệt hại do thời tiết gần 900 hecta. Trong đó, thiệt hại do nắng nóng là hơn 350 hecta và gần 550 hecta do nhiễm phèn. Chính quyền địa phương hiện đã đưa ra một số biện pháp cơ bản để khắc phục tình trạng này như bơm nước, bón vôi trên ruộng chống mặn, chống phèn.

Ông Nguyễn Văn Báng, Trưởng ấp xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng cho biết, hiện diện tích lúa ở địa phương bị nhiễm phèn rất nặng, đồng thời xâm ngập mặn từ bên ngoài cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, gây thiệt hại hơn 2/3 diện tích lúa toàn xã. Hiện, bà con đang chờ cơ quan chức năng có những giải pháp để khắc phục tình trạng này để canh tác vụ lúa tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Báng cho biết: “Nắng hạn kéo dài cả 5 tháng, sau đó bà con gieo sạ, sau khi gieo sạ được 2, 3 ngày thì mưa xuống, kéo dài liên tục khoảng 10 ngày. Đồng thời bên ngoài lại nhiễm mặn nên không thể mở cống tháo nước, vì vậy đã dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ, làm lúa chết rất nhiều. Đối với góc độ ở ấp thì vận động bà con tiếp tục bơm ra để cứu số lúa còn lại và đồng thời chuẩn bị làm đất lại cho vụ lúa tới mà thôi”.

Với việc biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng thì đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất chính là người nông dân. Đây không còn là chuyện riêng của các cấp chính quyền mà hơn hết là sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do thiên tai gây nên. 


  • 04/08/2015 10:47
  • Nguồn bài, ảnh: vovgiaothong
  • 1695


Gửi nhận xét