Tại Hội chợ các sản phẩm vì môi trường ở thủ đô Tokyo, Sony đã mời một số em nhỏ thực hiện thí nghiệm. Cho giấy vụn vào hỗn hợp gồm nước và một số loại enzyme, lắc lên và chờ đợi trong vài phút. Hỗn hợp này sau đó đã sản sinh ra dòng điện, cung cấp năng lượng đủ cho một cái quạt điện nhỏ.
Thí nghiệm của Sony. Ảnh: AFP
|
"Cơ chế trên tương tự như cách con mọt tạo năng lượng", ông Chisato Kitsukawa, phụ trách quan hệ công chúng của hãng Sony nói với AFP.
Theo ông Kitsukawa, công nghệ mới lần đầu tiên ra mắt là một phần trong công trình chế tạo "pin sinh học" của Sony.
Các enzyme đã phá vỡ liên kết của giấy vụn , sau đó được tác động bởi một nhóm các loại enzyme khác có nhiệm vụ cung cấp các hydro ion và electron. Các eletron này di chuyển quanh một quỹ đạo và sinh ra nguồn năng lượng, còn các hydro ion sẽ kết hợp với phân tử oxygen tạo thành nước.
"Các loại pin sinh học là loại pin thân thiện với môi trường và rất có tiềm năng phát triển trong tương lai, do không sử dụng kim loại và các hóa chất độc hại", ông Kitsukawa cho biết.
Nhưng công nghệ này vẫn cần thời gian khá lâu trước khi đi vào sản xuất đại trà do khả năng cung cấp điện thấp, không đủ khả năng cung cấp điện cho các thiết bị lớn hơn và trong thời gian dài, đồng thời không thay thế được các loại pin phổ biến hiện nay.